Các ứng viên đã được cử tri “sát hạch” trước khi bầu
Chính trị - Ngày đăng : 12:46, 18/05/2021
Các ứng viên đều có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau
Luật bầu cử quy định về việc các cơ quan tổ chức giới thiệu người ra ứng cử cũng như người tự ứng cử ĐBQH với các tiêu chuẩn cụ thể.
Chính vì vậy, cử tri cho rằng, trách nhiệm của người đại biểu rất nặng nề, nên trước khi ứng cử, các ứng viên cần xác định đây không phải là cơ hội để “đánh bóng” tên tuổi hay vì mục đích cá nhân nào đó… mà cần xác định rõ “mức độ” năng lực, trách nhiệm cũng như nhiệt tình của bản thân khi đảm trách vai trò người đại diện của dân.
Để tìm được người có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu của đại biểu không dễ, mỗi cử tri phải thật trách nhiệm, quan tâm, tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện cũng như năng lực, trình độ, phẩm chất… của ứng cử viên để có lựa chọn chính xác.
Trao đổi với báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho hay, theo dự kiến cơ cấu ĐBQH hiện nay, số lượng người ứng cử nằm trong cơ cấu những người ngoài Đảng với tỷ lệ là 5-10% (từ 25-50 đại biểu). Như vậy, nếu đạt tỉ lệ tối đa thì số lượng người tự ứng cử lên đến 50 đại biểu.
Cũng theo ông Hầu A Lềnh, trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã nêu rất rõ là tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử. Về thủ tục, hồ sơ, quy trình dành cho ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử đều như nhau.
Đồng thời, việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với những người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH. Quy trình thẩm định về tiêu chuẩn, lý lịch hiện nay, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, những ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh... tất cả đều như nhau.
Quốc hội là nơi có môi trường dân chủ, các đại biểu là bình đẳng như nhau, không có tính chất chỉ đạo cấp trên cấp dưới, nên đại biểu Quốc hội phải là người có đủ năng lực và bản lĩnh để thể hiện chứng kiến của mình, phản ánh đúng ý chí nguyên vọng của cử tri, không e ngại bất cứ ràng buộc nào trong quan hệ công tác.
Cử tri được “sát hạch” ứng cử viên trước khi bầu
Để thực sự là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, tâm tư nguyện vọng của cử tri thì ĐBQH không chỉ có bản lĩnh mà phải có đủ trình độ để lập luận chất vấn những cơ quan nhà nước, có đủ lý lẽ khoa học để đóng góp các ý tưởng tốt cho phát triển đất nước, đủ lý lẽ để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.
Cùng với những đóng góp lâu nay thì bản lĩnh, năng lực, trình độ của các ứng cử viên còn thể hiện tập trung ở chương trình hành động. Và tiếp xúc, vận động bầu cử là dịp để các ứng cử viên thể hiện phẩm chất, năng lực và trình độ của mình, cũng là dịp để cử tri “sát hạch” các ứng cử viên.
Trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên đã thể hiện quyết tâm và mong muốn đáp ứng được kỳ vọng lớn lao của cử tri.
ĐBQH khóa XIV, GS Nguyễn Anh Trí- là một trong những người tự ứng cử và trúng cử ĐBQH khóa XIV, tiếp tục ứng cử khóa XV chia sẻ: Từ lúc ông nộp đơn ứng cử đến trong suốt quá trình 5 năm vừa qua làm nhiệm vụ ĐBQH và tiếp tục tự ứng cử ĐBQH khóa XV, ông tuyệt đối không hề gặp bất kỳ sự cấm cản, phê phán, nhắc nhở gì của tất cả mọi người, kể cả của cử tri, Nhân dân, và cấp lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội. Tất cả đều nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ.
Ông Trí cho hay, nếu vinh dự được trở thành ĐBQH nhiệm kỳ nữa thì ông thấy nhiệm vụ vẫn còn rất nặng nề, rất lớn, thậm chí còn trăn trở nhiều hơn nhiệm kỳ qua. “5 năm ĐBQH ông cảm thấy giống như tốt nghiệp thêm một trường Đại học. Không chỉ thêm kiến thức, kinh nghiệm, mà quan trọng là những điều mình trăn trở nó sâu sắc hơn, rõ ràng hơn. Nên nếu tái cử được thì bên cạnh vinh dự, mình biết trăn trở đó làm thế nào để giải quyết tốt hơn. Với kinh nghiệm có được qua một khóa làm ĐBQH là rất quý báu để tự tin ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo", ông Trí chia sẻ.
Với những người được giới thiệu ứng cử, cùng với bề dày kinh nghiệm cũng như những đóng góp “đáng nể” trước đó của họ đối với đất, nước với xã hội thì bước vào nhiệm kỳ mới này họ cũng đã có chương trình hành động rất quyết liệt của mình.
Điển hình như trường hợp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình-người được Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử tại Bắc Giang đã rất tâm huyết, kỳ vọng về một Bắc Giang thay đổi trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu trong những buổi tiếp xúc cử tri của mình tại Bắc Giang ông nói: "Nay, tôi được tiếp tục giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, tại quê hương Bắc Giang, vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, anh hùng và cách mạng. Đây là vinh dự của tôi. Điều này tạo cho tôi điều kiện bên cạnh tham gia giải quyết công việc chung của đất nước, còn có thể góp sức xây dựng quê hương Bắc Giang giàu mạnh. Tôi sẽ tiếp tục tích cực tham gia cùng với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trên quê hương Bắc Giang".
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, là người đại diện cho quyền lợi của cử tri tỉnh Bắc Giang, ông phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh Bắc Giang đến Quốc hội. Tháo gỡ những khó khăn của Bắc Giang mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã chỉ ra… và đặc biệt trên các cương vị công tác của mình, ông sẽ hỗ trợ Bắc Giang thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra…
Ông cũng mong muốn nhận được đón nhận sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri để ông được đóng góp bản lĩnh, trí tuệ và cả tấm lòng đối với sự phát triển tỉnh nhà và đất nước trong thời gian tới; sẽ chủ động chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền; tận tâm trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Không lợi dụng cương vị công tác để vun vén cho cá nhân và gia đình, gây tổn hại đến lợi ích chung, không có các hành vi vi phạm, tiêu cực…
Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là một sự kiện lớn, 5 năm mới diễn ra một lần. Mỗi cử tri đều mong muốn những ứng cử viên, người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi trở thành ĐBQH.
Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu, bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước, và để bầu cử thành công, mỗi cử tri đều phải tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng và trực tiếp bỏ phiếu.