Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu
Chính trị - Ngày đăng : 18:01, 26/11/2014
Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế, với chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng" đã được tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội. Đối thoại do Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dự và phát biểu tại Đối thoại.
Đánh giá cao các bên liên quan đã lựa chọn chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng" cho Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang từng bước phát huy tác động tích cực, nhất là tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai, thuế, hải quan... Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại đối thoại Ảnh: VGP
Việc thu hồi tài sản là một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng, được quy định tại nhiều văn bản pháp luật... Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đang ở mức thấp, một phần lớn tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, che giấu, thậm chí đã được "tẩy rửa", rất khó phát hiện để thu hồi. Đó là thách thức lớn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát huy vai trò của người dân, các cơ quan báo chí trong việc thu hồi tài sản và các vấn đề liên quan - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhận định: Đối thoại phòng, chống tham nhũng trước thềm Hội nghị Nhóm cho các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) là một cơ chế trao đổi thông tin rất đặc biệt, thể hiện thiện chí, mong muốn hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Kể từ khi Đối thoại lần thứ nhất năm 2007 đến nay, Đối thoại đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng chính sách, tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, khuyến khích sự tham gia của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; đẩy mạnh sự hiểu biết, củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam. Đến nay, khi Việt Nam đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, chính sách ODA của các nhà tài trợ có sự thay đổi, vì vậy, từ năm 2012, Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) đã được tổ chức thay thế cho Hội nghị CG. Trong bối cảnh đó, cơ chế Đối thoại về phòng, chống tham nhũng cũng cần được thay đổi cho phù hợp.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn, các học giả trong nước và quốc tế đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để tổ chức thành công các kỳ Đối thoại vừa qua.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Dù việc trao đổi thông tin về phòng, chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế được tổ chức dưới hình thức nào thì sự hợp tác tốt đẹp trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, thiện chí và xây dựng giữa hai bên sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phòng ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng, chống tham nhũng. Phòng ngừa sẽ ngăn chặn ngay từ đầu các điều kiện, cơ hội để hành vi tham nhũng có thể hình thành, phát sinh và gây ra hậu quả cho xã hội. Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng là nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho Nhà nước, xã hội, triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng; là một trong các thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng đóng vai trò quan trọng, là các yếu tố chính của một chiến lược phòng, chống tham nhũng toàn diện của bất kỳ quốc gia nào. Đây cũng là hai trụ cột của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và sẽ được đưa vào đánh giá tại Chu trình thứ 2 của Cơ chế đánh giá thực thi Công ước UNCAC của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, dự kiến bắt đầu vào năm 2015.
Đánh giá những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủViệt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm chính trị, hiệu quả thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên, Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever chỉ ra rằng chỉ số đánh giá hiệu quả trong lĩnh vực hành chính công năm 2013 cho thấy tình hình tham nhũng và nhận hối lộ trong khu vực công vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Để phòng, chống tham nhũng thành công, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 1/10/2010 đến 30/4/2013 cho thấy, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng trên 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản thu hồi được khoảng gần 5.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 29,4 %). Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5 %, tăng 18,3 % so với năm 2013), xử lý 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị xử lý hành chính hàng nghìn tập thể, cá nhân; lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1500 tỷ đồng (đạt 22,3 % tăng 14,1 % so với năm 2013).
Cơ quan tình báo về tài chính của Việt Nam (Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng nhà nước) cũng khẳng định những thông tin về giao dịch đáng ngờ và những thông tin về tình báo tài chính khác đã được cơ quan này gửi đến những cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một vụ việc nào về rửa tiền hay tham nhũng được xử lý dựa trên cơ sở những thông tin này. Cũng chưa có thông tin về các vụ việc Việt Nam chủ động cung cấp thông tin tình báo tài chính cho các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và ngược lại. Thực tiễn cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng tài sản thu hồi. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó có việc chuyển ra nước ngoài.
Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản. Đối tượng phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng chủ yếu phải chấp hành hình phạt tù, trong khi phần dân sự có thể có giá trị lớn nhưng không có tài sản, không có điều kiện thi hành.
Tại Đối thoại, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế đã khẳng định những nỗ lực của Việt Nam và những kết quả đã đạt được trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực thi có hiệu quả luật và các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của người dân, báo chí, doanh nghiệp; chia sẻ những giải pháp thành công của quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng...
Kết thúc Đối thoại, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong đánh giá chung về những tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, những kinh nghiệm, giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Đại diện các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tiếp tục khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng.