Một số địa phương được tiến hành bầu cử sớm

Chính trị - Ngày đăng : 16:58, 15/05/2021

Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đến nay đã được tiến hành ra sao; việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào và ai là người có quyền quyết định cũng như công tác vận động bầu cử thực hiện thế nào…

Là những nội dung được ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trả lời tại buổi phỏng vấn trực tuyến ngày 14/5.

bui-cuong.jpg
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Công tác bầu cử đến thời điểm hiện nay

Trả lời câu hỏi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đến nay đã được tiến hành ra sao, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết:

Về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Nội dung văn bản ban hành quy định về thành phần, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; về hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh trật tự, y tế cho cuộc bầu cử.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã trải qua 3 vòng hiệp thương và đã xác định được danh sách chính thức những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng bầu cử quốc gia đã gửi danh sách người ứng cử do Trung ương giới thiệu về các địa phương để Ủy ban bầu cử cấp tỉnh niêm yết danh sách người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử 23/5/2021. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung về tiến trình bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Trong đầu tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5.

Thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bầu cử, đó là: kế hoạch giám sát cuộc bầu cử; xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh; phối hợp với các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử; hoạt động tổng kết công tác bầu cử Quốc hội trình tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tất cả các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đều được Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, thảo luận theo đúng nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Tính từ khi bắt đầu triển khai công tác bầu cử đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành 05 phiên họp toàn thể với nhiều nội dung quan trọng.

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối

Liên quan đến câu hỏi: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào và ai là người có quyền quyết định?

Ông Bùi Văn Cường cho hay: Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố thì việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 07 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.

Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu, đồng thời, đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

bau-cu-som.jpg
Một số địa phương được bầu cử sớm trước ngày 23/5.

Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.

Ai được vận động bầu cử?

Công tác vận động bầu cử như thế nào là đúng luật? Ứng cử viên có được vận động qua mạng xã hội không là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.

Theo ông Bùi Văn Cường: Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 63 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Thứ nhất, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

Thứ hai, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó.

Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hai hình thức: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Tuy nhiên, trên thực tế, với việc phát triển mạnh mẽ và tác động rất lớn của mạng xã hội hiện nay, ngoài hai kênh chính thống đã nêu trên, theo tôi, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị pháp luật cấm, ông Cường cho biết.

Một số địa phương được tiến hành bầu cử sớm

Theo quy định, một số địa phương được tiến hành bầu cử sớm, trước ngày 23/5/2021; và hiện nay có bao nhiêu đơn vị tiến hành bầu cử sớm như vậy?

Ông Bùi Văn Cường cho biết: Điều 72, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định sẽ do Ủy ban bầu cử trình Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Căn cứ đề nghị của Ủy ban bầu cử các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho phép một số khu vực của một số tỉnh, thành phố được tiến hành bỏ phiếu sớm, gồm: Thành phố Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An,... được tiến hành bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được Quốc hội quyết định vào Chủ Nhật ngày 23/5/2021.

Mai Thoa