Thủ tướng: Chủ động tấn công, đẩy lùi dịch COVID-19 trên toàn đất nước

Chính trị - Ngày đăng : 16:10, 15/05/2021

Nêu rõ cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch COVID-19 là kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính, Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết.
ttg-va-pho-ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại cuộc làm việ

Đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân nhân

Kết luận cuộc họp với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những các ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. “Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng, chống dịch, phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Tích cực hơn nữa hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về công tác này.

Thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Đã nhiều lần phân tích cụ thể về vấn đề này, tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục làm sâu sắc thêm nội hàm của khái niệm “chủ động tấn công” để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.

Theo đó, chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh. Phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên.

“Phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng vaccine, vấn đề thanh toán, tiến độ…”, Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế.

Tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.

Ngành y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh với yêu cầu đa dạng hơn, phong phú hơn, nhiều hình thức hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình, với các đối tượng khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ...

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”. Các địa phương đã làm tốt, có kinh nghiệm, đã kiểm soát được dịch bệnh, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh… chi viện, giúp đỡ các địa phương khác về nhân lực, vật lực, tiêu thụ hàng hóa... Người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly, người không mắc bệnh hỗ trợ người mắc bệnh.

thu-tuong-nganh-y-te.jpg
Thủ tướng: Chủ động tấn công, đẩy lùi dịch COVID-19 trên toàn đất nước

“Trong hơn một năm qua, ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã đi đúng hướng trong chỉ đạo phòng chống dịch, chúng ta không hoảng hốt, không mất bản lĩnh, cần tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh với phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng yêu cầu.

Đạt được những thành tựu toàn diện, song còn có những hạn chế

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ và ngành y tế đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, toàn diện, quyết định, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng chống đại dịch COVID-19.

Để đạt được những kết quả này, Bộ và ngành y tế đã bám sát tình hình thực tiễn, tổ chức thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu toàn diện, hiệu quả của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, y bác sĩ, điều dưỡng viên, người lao động trong ngành; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các ngành, các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ngành y tế đã huy động toàn lực lượng, đóng vai trò nòng cốt, tuyến đầu chống dịch. Đội ngũ cán bộ ngành y đã hy sinh thời gian, công sức, vật chất và cả tình cảm với tinh thần quyết liệt nhất, chịu nhiều hy sinh nhất, chịu mất mát, gian khổ để bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nước đạt thành quả tốt trong phòng, chống dịch, chi viện, giúp đỡ một số nước và hợp tác hiệu quả với các nước khi cần thiết.

Tuy nhiên, với tinh thần khiêm tốn, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém, cần “tìm ra, chỉ rõ, nói thật, đối diện, cùng nhau giải quyết”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ ra 9 hạn chế của ngành Y tế. Đó là, chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành để phát triển ngang tầm vai trò, vị trí của ngành và sự phát triển của đất nước; thể chế, cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc nhiều, phải cố gắng hơn nữa để tháo gỡ; cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nhất là cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành; hệ thống tổ chức và quản trị y tế còn bất cập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác. Tổ chức toàn ngành và các cấp chưa được hợp lý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW tuy đạt kết quả quan trọng nhưng cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn; chất lượng nhân lực ngành y nổi trội so với điều kiện chung của đất nước, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; cơ cở vật chất chưa thực sự xứng tầm với yêu cầu và nhiệm vụ…

7 nhiệm vụ chiến lược và 8 nhiệm vụ đột phá

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành Y tế cần thực hiện các nhiệm vụ chiến lược và nhiệm vụ đột phá

7 nhiệm vụ chiến lược 

Thứ nhất, xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, tổng kết, phát huy truyền thống, ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, yếu kém, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách và các đề án của Nhà nước, chương trình công tác của các cấp về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ ba, quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Trung ương về học và làm theo Bác, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. “Thực hiện tốt nhiệm vụ này để thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “Thầy thuốc như mẹ hiền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng nguồn nhân lực chất ượng cao, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành gắn với quy hoạch của các địa phương về phát triển ngành và và chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; làm tốt công tác quản lý nhà nước; thực hiện tốt việc chăm lo, theo dõi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập.

Thứ bảy, có giải pháp khắc phục tình trạng già hóa dân số, không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe và tuổi thọ nhân dân, để mọi người dân khỏe mạnh, đất nước khỏe mạnh.

8 nhiệm vụ đột phá

Thứ nhất, phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, phát triển y tế chuyên sâu tại các khu vực khó khăn, biên giới hải đảo…

Thứ ba, xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công-tư. Thủ tướng gợi ý mô hình nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà nước đưa nguồn lực con người vào để khai thác trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, cùng chia sẻ khi có rủi ro.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng việc.

Thứ sáu, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm.

Thứ bảy, tập trung phát triển công nghiệp dược.

Thứ tám, coi trọng công tác truyền thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Xuân Lan