Vụ bắt Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma: Trách nhiệm của các đơn vị liên quan?
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 15:00, 26/09/2014
Một công ty “khủng” của ngành Dược
Trong ngành dược Việt Nam, Công ty CP VN Pharma là một đơn vị được thành lập sau, khá mới mẻ với thị trường nhưng tốc độ phát triển và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nhanh như vũ bão.
Công ty này tham gia thị trường phân phối dược phẩm từ năm 2011, đến cuối tháng 5/2012 mới tiến hành đại hội cổ đông, đại hội công nhân viên lần đầu tiên.
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, VN Pharma thành lập VN Pharma An Giang (27/2/2012) và VN Pharma Cà Mau (18/6/2012). Cuối năm 2012, tiếp tục thành lập chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc.
Ngoài ra, Công ty CP VN Pharma có nhiều công ty thành viên khác như: Công ty TNHH MTV dược Nam Anh, Công ty CP dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma.
Tháng 8/2013, vốn điều lệ Công ty CP VN Pharma được nâng lên 40 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau, tại đại hội đồng cổ đông lần 3 (nhiệm kỳ 1/2014), ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc báo cáo doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty năm 2013 đạt 971 tỷ đồng. Theo dự kiến, năm 2014, doanh thu bán hàng của Công ty CP VN Pharma sẽ đạt 1.077 tỷ đồng...
Ông Hùng rất phấn khởi khi nói về thành tích của Công ty CP VN Pharma tại Đại hội cổ đông nhiệm kỳ I
Đặc biệt, chỉ là một công ty cổ phần ra đời mới vài năm, nhưng tháng 5/2014, công ty trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỷ đồng.
Công ty CP VN Pharma cũng thực hiện nhiều dịch vụ như dịch vụ kho bãi và logistics, xuất nhập khẩu, phân phối, nghiên cứu - đăng ký thuốc, xúc tiến thương mại, dịch vụ phòng khám.
Trong đó, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn đăng ký lưu hành thuốc; nộp hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành cho thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài; nộp hồ sơ và xin cấp giấy phép lưu hành cho thực phẩm chức năng sản xuất trong và ngoài nước; tư vấn thủ tục thay đổi tên sản phẩm, tên nhà sản xuất, nhãn hiệu hàng hóa, tuổi thọ thuốc hoặc các thông tin khác liên quan tới các sản phẩm đã đăng ký lưu hành; tư vấn và hỗ trợ tra cứu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, bản quyền hoặc kiểu dáng công nghiệp tại các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Lộ diện “sếp buôn lậu - giả mạo giấy tờ”
Ngày 19/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma. Ông Hùng đã được di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Tối cùng ngày, cơ quan Công an tiến hành khám xét Công ty VN Pharma, trụ sở tại số 666/10/3 đường 3/2, P.14, Q.10, TP.HCM, thu giữ nhiều tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Đến thời điểm này, Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Hùng về hành vi 'buôn lậu' và 'làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức'. Đồng thời, khởi tố một đồng phạm với ông Hùng, là ông Võ Mạnh Cường (SN 1978, ngụ Q.7), là đại diện cho một công ty lớn của nước ngoài tại Việt Nam.
Theo điều tra ban đầu, mới đây ông Hùng, ông Cường và một số người khác đã tổ chức nhập khẩu một lô hàng tân dược chữa trị ung thư.
Quá trình làm thủ tục, phía ông Hùng lấy pháp danh nhập hàng là Công ty VN Pharma cung cấp cho cơ quan chức năng một giấy xác nhận của tham tán Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada. Sau đó, ông Hùng và những người khác được cơ quan chức năng cấp phép nhập khẩu lô tân dược có tổng giá trị lên đến 750.000 USD.
Tuy nhiên, khi lô hàng nhập về nước bị Cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ và hiện đang niêm phong. Cơ quan điều tra của Bộ Công an bước đầu làm rõ, giấy xác nhận của tham tán Lãnh sự quán Việt Nam tại Candana là giấy tờ được làm giả.
Đáng chú ý, cơ quan Công an còn mở rộng điều tra nhiều lô hàng mà ông Hùng cùng đồng phạm đã nhập trót lọt và đã tiêu thụ ra thị trường cũng bằng cách thức tương tự như trên. Đường dây buôn lậu tân dược này được xác định do ông Hùng tổ chức cùng ông Cường và một số người khác.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc bắt giữ ông Hùng và khám xét trụ sở Công ty VN Pharma, công ty này đã ra thông cáo báo chí nhằm cho biết mọi hoạt động, cung ứng thuốc của công ty trên thị trường các tỉnh, thành ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Ngày 24/9, Sở Y tế TP.Hà Nội đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy chứng nhận đạt 'thực hành tốt phân phối thuốc' (tức GDP) mà đơn vị này đã cấp trước đây cho Công ty VN Pharma chi nhánh Hà Nội do không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.
Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan
Việc ông Hùng bị Cơ quan điều tra bắt giữ, khởi tố với các tội danh nêu trên có thể gây "sốc" cho nhiều người tiêu dùng khi thấy một công ty “khủng” mà mình hay dùng thuốc vi phạm luật pháp, tuy nhiên, đối với nội bộ các doanh nghiệp ngành Dược thì điều này như một tất yếu sẽ đến. Câu hỏi đặt ra là làm sao ông Hùng có thể che mắt được các cơ quan quản lý như Cục Quản lý dược, hay lại có thể qua mặt các công ty dược uy tín lâu năm để thắng thầu tại Hội đồng đấu thầu như vậy?
Thứ nhất, trong bản kết quả đấu thầu danh sách sản phẩm đề nghị trúng thầu của Sở Y tế TPHCM đợt 1 năm 2013 - 2014 thể hiện rõ, số thứ tự 68 và số 97 trong hồ sơ trúng thầu với tên thuốc H-Capita Caplet 500mg dạng viên, Công ty Helix Pharmaceuticals INC - Canada sản xuất, kế hoạch 571.000 viên với giá trúng hơn 14,6 tỷ đồng do liên danh Công ty dược Nam Anh và Công ty CP dược phẩm TW1 - Pharbaco trúng thầu. Trên thực tế, số thuốc này đã có mặt tại Việt Nam và đã bị niêm phong, song điều hết sức phi lý là nhà sản xuất - Công ty Helix Canada không hề có trên thực tế. Điều đó chứng minh giấy tờ nhập khẩu của lô hàng là giả mạo.
Vậy thì, số thuốc mà công ty này trúng thầu được đưa vào Việt Nam để phân phối về một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM từ đâu ra? Vì nếu Cục Quản lý dược thực hiện đúng các trình tự quy định về quản lý kinh doanh thuốc thì việc này đã không thể xảy ra. Đó là chưa kể, với các chức năng như: đăng ý lưu hành thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, thì trước khi cấp visa nhập khẩu cho doanh nghiệp, Cục Quản lý dược phải tiến hành thẩm định hồ sơ, xác minh nhà máy sản xuất, thuốc phải được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam và rất nhiều thủ tục khác mà thông thường mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Thứ hai, cũng từ danh sách sản phẩm thuốc đề nghị trúng thầu, còn có điều bất thường là ông Nguyễn Minh Hùng,Tổng Giám đốc VN Pharma và cũng là Phó Tổng giám đốc của Công ty dược Nam Anh tuy mới thành lập, nhưng đã trúng liền 2 gói thầu cung ứng thuốc chữa bệnh cho một số bệnh viện tại TPHCM với giá trị lên đến gần 500 tỷ đồng, “qua mặt” nhiều thương hiệu lớn của ngành Dược Việt Nam như: Sanofi, Tipharco, Domexco, Traphaco, Công ty dược Hậu Giang … Cũng vì những “chiến công” kiểu này mà ông Hùng “không hổ danh” là “ông vua đấu thầu”.
Vậy, lại nhìn vào vai trò của Hội đồng đấu thầu Sở Y tế TPHCM. Thực tế việc tổ chức đấu thầu tập trung là hình thức hợp lý để chọn ra nhà thầu đảm bảo chất lượng sản phẩm thuốc chữa bệnh, giúp người bệnh tiếp cận được giá cả phù hợp. Nhưng những gì xảy ra qua vụ việc này hóa ra Hội đồng đấu thầu vô hình trung lại tạo điều kiện cho thuốc không rõ nguồn gốc về chữa bệnh cho dân? Đó là chưa kể ông Hùng và Công ty VN Pharma đã “đưa tiền giả để lấy tiền thật” của người tiêu dùng.
Những vi phạm pháp luật của bị can Hùng và các đồng phạm đến đâu sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ, làm cơ sở khởi tố, xét xử. Tuy nhiên, trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng cần được làm sáng tỏ, để rộng đường dư luận và lấy lại lòng tin cho các doanh nghiệp ngành Dược cũng như người tiêu dùng.