Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự và thảo luận về Dự thảo BLDS (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 20:32, 25/11/2014
Đề cao trách nhiệm của Tòa án
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu Luật THADS (sửa đổi). Theo đó, có nhiều vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý vào Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về yêu cầu thi hành án, Điều 31 của Dự thảo Luật THADS giữ quy định hai cơ chế ra quyết định thi hành án: Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. UBTVQH cho rằng, quy định về cơ chế ra quyết định thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng của luật này. Thực tiễn cũng cho thấy, cơ chế ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. Hiệu quả hạn chế trong THADS hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về yêu cầu thi hành án như Điều 31 Dự thảo.
Về xác minh điều kiện thi hành án, trường hợp chưa có điều kiện thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án (các Điều 44, 44a và 45), có ý kiến đề nghị bỏ quy định “người phải thi hành án phải kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình” tại khoản 1 Điều 44. UBTVQH cho rằng, việc bổ sung quy định này nhằm đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án phải chứng minh điều kiện thi hành án của họ. Đây cũng là cơ sở để tổ chức xác minh và là căn cứ để xử lý trong trường hợp, người phải thi hành án không tự nguyện, trốn tránh việc thi hành án. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo.
ĐB Nguyễn Thành Bộ
Còn về ý kiến đề nghị quy định tăng thời hạn tự nguyện thi hành án lên 20 ngày (Điều 45), UBTVQH cho rằng, về nguyên tắc, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được các bên đương sự tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Khi người phải thi hành án không tự nguyện và người được thi hành án có đơn yêu cầu, cơ quan THADS phải thụ lý, tổ chức thi hành án.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của TAND trong thi hành án dân sự (Điều 170), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thường xuyên báo cáo Tòa án về tiến độ, kết quả thi hành tất cả các bản án, quyết định, làm cơ sở để Tòa án theo dõi, giám sát việc thi hành án và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc báo cáo kết quả thi hành án cho Tòa án.
UBTVQH nhận thấy, để đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc xem xét lại bản án, quyết định có sai sót theo quy định của pháp luật thì cần bổ sung quy định, cơ quan THADS báo cáo kết quả thi hành án đối với Tòa án. Tuy nhiên, do Tòa án không phải là cơ quan quản lý về THADS, nên việc báo cáo chỉ cần thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án, mà không nhất thiết phải báo cáo thường xuyên để giảm bớt thủ tục hành chính. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan THADS đối với HĐND, UBND, TAND tại các Điều 14, 15 và 16 Dự thảo Luật.
Về quy định thời hạn Tòa án trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có ý kiến đề nghị là 06 tháng thay cho thời hạn 90 ngày như Dự thảo Luật.
UBTVQH cho rằng, quy định thời hạn như trên (90 ngày) là nhằm bảo đảm thống nhất với quy định về thời hạn người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét lại bản án được quy định tại Điều 48 Luật THADS hiện hành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như Dự thảo Luật.
Các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Dự án Luật với tỷ lệ 84,10% số phiếu tán thành.
Chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu
Sau khi thông qua Luật THADS, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Các ý kiến nhận định, việc sửa đổi luật này là cần thiết, tuy nhiên, một số nội dung cần phải xem xét lại như: Không nên bỏ điều luật quy định về “Hiệu lực của Bộ luật Dân sự” (BLDS) quy định tại Điều 2, BLDS 2005 vì đây là Bộ luật được xác định là luật nền, là cơ sở cho các luật khác và được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nếu không quy định bằng một điều luật riêng như BLDS 2005 thì nên bổ sung vào phần áp dụng pháp luật dân sự (khoản 1 Điều 10 của Dự thảo).
Về chế định bảo vệ quyền dân sự, Điều 21 của Dự thảo Luật có quy định: Tòa án không được yêu cầu từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, trong trường hợp này phải áp dụng tập quán và tương tự pháp luật (tức là áp dụng Điều 12 và Điều 13 để giải quyết).
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên mang tính chất là hướng dẫn tố tụng chứ không mang tính chất luật nội dung, trong khi chúng ta đã có riêng BLTTDS. Đồng thời quy định trên trái với nguyên tắc: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án.
Mặt khác, Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã quy định việc “áp dụng tương tự pháp luật” và áp dụng “tập quán” để giải quyết khi không có điều luật để áp dụng thì không cần thiết phải có quy định trên.
Về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu: Tại khoản 2 Điều 145 của Dự thảo có quy định: “Trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ 3, người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ 3 biết, hoặc phải biết tài sản đó đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng, quy định trên chỉ bảo vệ quyền lợi cho người thứ 3 nhưng không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu. Bởi vì, quá trình giải quyết sẽ khó chứng minh được người thứ 3 có thật sự ngay tình hay không? Cho dù biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp ngoài ý chí của chủ sở hữu nhưng nếu biết người thứ 2 trong giao dịch dân sự không còn khả năng thanh toán thì người thứ 3 sẽ không bao giờ thừa nhận là họ biết, để không bị ràng buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu (nhất là trong trường hợp người thứ 2 trong giao dịch có sự thông đồng với người thứ 3). Như vậy, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Vì vậy, nên giữ nguyên quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình như Điều 138 BLDS 2005 là phù hợp.
Về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo BLDS quy định “người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh bên gây thiệt hại”. Quy định như vậy là mâu thuẫn với nguyên tắc: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp”, “đương sự phải chịu hậu quả do không xuất trình được tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án” đã quy định trong BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính.