Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bình tĩnh, tránh hoảng loạn có những quyết sách gây phức tạp tình hình
Chính trị - Ngày đăng : 22:50, 07/05/2021
Khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở tất cả các cấp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến mới phức tạp diễn ra chiều ngày 7/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở tất cả các cấp, khởi động lại các tổ COVID cộng đồng, địa phương nào chưa có phải thành lập ngay.
“Tỉnh nào chưa có dịch thì hết sức cảnh giác, dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và khi có dịch phải rất bình tĩnh. Tránh lơ là mất cảnh giác hoặc cực đoan, gây hoang mang, hoảng loạn, có những quyết sách không cần thiết, gây phức tạp tình hình”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù tình hình có thay đổi thế nào vẫn phải kiên trì nguyên tắc thứ nhất là “ngăn chặn - cách ly – khoanh vùng – dập dịch – điều trị hiệu quả”. Nguyên tắc thứ hai là thực hiện trạng thái bình thường mới, các cá nhân thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang; các cơ quan, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghiêm túc việc tự đánh giá định kỳ phòng chống dịch cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn). Nguyên tắc thứ ba là “bốn tại chỗ”.
Về ngăn chặn, việc đầu tiên là quản lý xuất nhập cảnh, chúng ta phải tiếp tục giữ chặt, nhất là biên giới Tây Nam, ngoài lực lượng biên phòng, công an, phải kêu gọi nhân dân, cộng đồng, nếu phát hiện những nơi có người từ nước ngoài về thì thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Thứ hai, vận động người Việt Nam kêu gọi người thân tại nước ngoài ở tại chỗ, nếu về thì đăng ký đàng hoàng. Xử lý nghiêm tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Thời gian vừa qua, kiểm tra cho thấy nhiều khách sạn thực hiện cách ly chuyên gia, lao động nước ngoài không nghiêm; buông lỏng quản lý trong thời gian theo dõi, giám sát y tế tại doanh nghiệp. Cách ly tập trung xong không có bàn giao giữa nơi cách ly tập trung và nơi tiếp nhận.
Điều đáng nói, tất cả các văn bản hướng dẫn đều đã có và rất chi tiết nhưng nhiều nơi làm không chặt chẽ, thậm chí “chỉ trên giấy”. Chúng ta phải siết chặt lại, sắp tới các khu cách ly dân sự, quân sự đều phải lắp camera giám sát; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý, theo dõi, giám sát người được cách ly; khép kín chu trình quản lý người nước ngoài nhập cảnh từ lúc vào Việt Nam cho tới lúc sau cách ly tập trung.
Tăng cường xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm trong cộng đồng
Về phát hiện, chúng ta chưa làm tốt việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm trong cộng đồng. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm đối với những tỉnh chưa triển khai xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc chưa đủ năng lực khẳng định. Bên cạnh đó, chúng ta cần kết hợp các công nghệ để xét nghiệm sàng lọc, đánh giá dịch tễ trên địa bàn sớm nhất, tiết kiệm nhất.
Đối với khoanh vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc cân bằng giữa duy trì, phát triển kinh tế và chống dịch.
Về điều trị, Phó Thủ tướng yêu cầu các nơi sẵn sàng cho trường hợp 30.000 ca nhiễm, không bị động, bảo đảm đầy đủ cả máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải nỗ lực có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể nhưng ngay cả khi tiêm vaccine cũng phải mấy chục ngày sau mới sinh kháng thể và hiệu quả bảo vệ không phải là 100%.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có một số quốc gia có đường biên giới giáp với Việt Nam như Campuchia, Lào và một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan. Nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nhiều nơi với khả năng lây truyền nhanh hơn, mạnh hơn, triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Tại Việt Nam, về cơ bản, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao do khả năng lây nhiễm từ các chuyên gia, người Việt Nam từ các nước và thực hiện cách ly không đúng quy định; lây nhiễm do nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng; sự chủ quan, lơ là với phòng chống dịch của nhiều địa phương, cơ quan đơn vị; nhiều người dân không đeo khẩu trang, tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ dài ngày; việc kiểm soát nhập cảnh và quản lý cách ly còn có sơ hở…
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B.1617 được phát hiện tại Ấn Độ. Dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương. Xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.