7 nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ để xem xét
Kinh tế - Ngày đăng : 15:05, 07/05/2021
Cụ thể như sau: Thứ nhất, về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, về phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, các ngành chức năng khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng; tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, các tuyến biên giới…
Thứ ba, về cải thiện môi trường kinh doanh, kiến nghị, giao Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, đô thị… đề xuất các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án đầu tư trong cả nước.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu để thể chế hóa một số mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ tư, về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2021 đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm giải ngân hết số vốn được giao.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm: rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư…
Gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.
Thứ năm, về công tác điều hành giá, năng lượng tái tạo và tận dụng cơ hội từ hiệp định FTA, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường, nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như: sắt, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi… đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức vận dụng các hiệp định FTA với các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể. Nghiên cứu, thành lập cơ quan đầu mối để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc khó khăn của doanh nghiệp.
Thứ sáu, về thị trường lao động, giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Thứ bảy, về công tác phối hợp, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả theo đúng Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan ổn định kinh tế vĩ mô./.