Nghịch tử giết mẹ ruột đối mặt với khung hình phạt nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:27, 06/05/2021
Như tin đã đưa, khoảng 14h ngày 4/5, tại số nhà 20/28 Nguyễn Hữu Cảnh (thôn Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) Lê Hoàng Nam (SN 1987) nghi "ngáo đá" đã ra tay sát hại mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị D. (SN 1961).
Được biết, Nam đã lập gia đình và có 1 đứa con, nhưng vợ chồng bỏ nhau nhiều năm nay. Trước Tết, Nam mới đi cai nghiện về, thi thoảng lại đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa.
Mỗi khi lên cơn thèm thuốc, Nam phải kiếm ra tiền để thỏa mãn. Khi không được đáp ứng thì đập phá đồ đạc trong nhà và dọa cả tự tử. Lê Hoàng Nam từng bị tuyên phạt 6 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Đức (Đoàn luật sư Thanh Hóa) phân tích: Hành vi giết người của đối tượng Nam là rất đáng lên án, khiến dư luận bất bình vì bị hại chính là mẹ ruột của nghi phạm.
Trước khi gây án Nam có biểu hiện “ngáo đá” nhưng căn cứ Điều 13 (Bộ luật Hình sự 2015) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự".
Như vậy, phạm tội khi ngáo đá không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình tố tụng. Người phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
Như diễn biến vụ việc, đối tượng Nam sẽ bị xử lý về tội giết người được quy định tại điểm đ (khoản 1, Điều 123, BLHS 2015), với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là: “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình'. Nếu bị cáo buộc, Giang sẽ phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Tuy nhiên, cần phải giám định tâm thần để xác định đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. Trong trường hợp khi sát hại nạn nhân, Nam đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, căn cứ Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015): 'Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự'.
Trong trường hợp, Nam chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các tình tiết này để có cơ sở xử lý vụ việc.
“Điều 123. Tội giết người
- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
…
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;”