Không đi lại được, nhờ người khác bỏ hộ phiếu có được không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 08:40, 05/05/2021

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến điểm bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Hỏi: Tiêu chuẩn ứng cử làm đại Biểu Quốc hội và đại Biểu HĐND được quy định như thế nào? Nay tôi đang ốm đau không tiện đi lại được thì có thể nhờ người khác bỏ phiếu bầu được không?

Nguyễn Hương Giang, Vĩnh Phúc

Trả lời:

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020), như sau:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

ngay-bau-cu.jpg
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tại Điều 7 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019), như sau:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Tại Điều 69 Luật Bầu cử năm 2015 quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:

- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

- Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành ở cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà các cơ sở trên không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cơ sở đó để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Như vậy, nếu như bạn không thể đi bỏ phiếu được thì thông báo cho tổ bầu cử biết để tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ đến nơi ở, nơi điều trị của bạn.

Thu Phương