Báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam thiếu khách quan, không công bằng
Chính trị - Ngày đăng : 10:20, 30/04/2021
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 29/4, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước báo cáo 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). cho rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế”.
Hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên 25 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau chiếm khoảng 27% dân số (riêng Công giáo có trên 7 triệu tín đồ, Tin lành có trên 1 triệu tín đồ). Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế.
“Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi’, ông Đoàn Khắc Việt cho biết.
Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Việt, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. “Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Phó phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
* Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Việt Nam có biện pháp gì nhằm tăng cường công tác phòng chống nạn buôn bán người/di cư trái phép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người”.
Mới đây nhất, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ tăng cường đấu tranh, ngăn chặn mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/03/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.
Ông Việt tuyên bố: “Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan, bảo đảm việc di cư hợp pháp, an toàn, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư”.