Đề xuất một số giải pháp về quản lý môi trường đối với cụm công nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:56, 28/04/2021

Theo số liệu của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2020 cả nước đã thành lập 968 cụm công nghiệp (CNN) với tổng diện tích trên 30.912 ha.

Trong đó, có 730 CCN với tổng diện tích khoảng 22.336,3 ha đi vào hoạt động, thu hút gần 12.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%; tạo việc làm cho khoảng 600.000 lao động.

Hiện nay, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương, đặc biệt hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT) còn nhiều khó khăn; công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại nhiều CCN chưa đúng quy định pháp luật môi trường.

Số lượng CCN đi vào hoạt động lên tới 730 CCN với tổng diện tích 22.336 ha, trong đó có 9.363 cơ sở đang hoạt động trong cụm.

Tuy nhiên, số lượng CCN có biện pháp BVMT, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm số lượng nhỏ: Đến hết năm 2020, cả nước mới chỉ có 141 CCN (chiếm 19,3% so với các CCN đã hoạt động) có hệ thống XLNT tập trung đi vào hoạt động.

Đa số các CCN còn lại chưa có hệ thống XLNT tập trung (chủ yếu những CCN hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg) tại các CCN này các doanh nghiệp thứ cấp tự XLNT hoặc thải trực tiếp ra môi trường nên không đạt hiệu quả hoặc chưa đáp ứng được QCVN về nước thải; việc thiếu trang thiết bị quan trắc để kết nối, truyền dữ liệu tự động đến cơ quan quản lý môi trường cũng là vấn đề gây khó khăn cho cơ quan quản lý môi trường ở nhiều địa phương.

Qua theo dõi, các địa phương nhận thức rõ vấn đề này, tuy nhiên do ngân sách địa phương hạn chế nên chưa xử lý dứt điểm những tồn tại. Vì vậy, việc đề xuất xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN (trong đó có hạ tầng BVMT) giai đoạn 2021-2025 từ NSTW phân bổ cho Bộ Công Thương là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục, xử lý các tồn tại nêu trên.

Được biết, tổng hợp báo cáo của các địa phương và điều tra thực tế, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về BVMT khá đầy đủ nhưng công tác BVMT tại đa số các CCN trên toàn quốc vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng phát triển CCN thiếu quy hoạch đồng bộ, nôn nóng; Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương, đặc biệt hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường đối với CCN của chủ đầu tư hạ tầng CCN và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các CCN chưa cao.

Bộ máy quản lý CCN từ cấp Trung ương đến địa phương quy định đầy đủ, tuy nhiên công tác quản lý môi trường đối với CCN đôi khi chưa rõ; việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý môi trường tại các CCN chưa thường xuyên, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe tới các chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Để tiếp tục đầu tư phát triển CCN hiệu quả, bền vững, một số giải pháp về quản lý môi trường đối với CCN được đề xuất như sau:

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phát triển CCN, quản lý môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra đối với các CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, quy định pháp luật.

Hai là, chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN. Tiếp nhận các dự án đầu tư vào CCN cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhằm đảm bảo tính pháp lý và khoa học trong việc phân khu sản xuất để kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động. Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào CCN trong trường hợp chưa hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung của CCN theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Rà soát, ban hành Danh mục ngành nghề có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để cấm, hạn chế đầu tư vào các CCN; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với CCN làm cơ sở pháp lý để quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường CCN.

Bốn là, hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Năm là, tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý CCN, nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các CCN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN ở các địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường tại các CCN.

+

A. Tuấn