Vaccine Sputnik V của Nga có thể chống lại biến thể virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ
Chuyển động - Ngày đăng : 11:42, 28/04/2021
Giám đốc Trung tâm Gamaleya, đơn vị phát triển vaccine ngừa COVID-19 Sputnik của Nga, cho biết loại vaccine này phát huy hiệu quả chống được đột biến của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ, thậm chí cả khi kháng nguyên thay đổi.
Sputnik dẫn lời ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga giải thích: “Vaccine Sputnik V sẽ có hiệu quả chống lại đột biến của virus ở Ấn Độ, bởi việc tiêm hai mũi Sputnik V mang lại hiệu lực nhận dạng cao của các globulin miễn dịch bảo vệ, thậm chí cả khi kháng nguyên thay đổi”.
Trước đó, các nhà khoa học đã xác định được thể đột biến mới của virus Corona ở bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ, là B.1.618, hay còn gọi là chủng Bengal.
Theo lời một giáo sư chuyên về dịch tễ học của Ấn Độ, ông Madhukar Pai, chủng virus mới này là đột biến 3, có sức lây lan mạnh hơn.
Trong chủng Bengal, ba đột biến của virus kết hợp với nhau để tạo thành một biến thể mới được đặt tên là B.1.618.
Nhà khoa học Vinod Scaria, Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp, cho biết biến thể B.1.618 đã được phân lập vào tháng 10/2020. Ngoài Ấn Độ, chủng này cũng xuất hiện ở Mỹ, Singapore, Phần Lan, Thụy Sĩ.
Các chuyên gia cho biết biến thể B.1.618 của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác, khiến nhiều người mắc bệnh nhanh chóng.
Cần lưu ý rằng, chủng mới B.1.618 là dòng virus Corona thứ hai phát hiện ở Ấn Độ, trước đó tìm thấy đột biến đầu tiên là B.1.617, còn được gọi là biến thể kép của virus Corona.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ngày 27/4 cho biết, biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ đã được tìm thấy ở hơn một chục quốc gia.
WTO cho hay biến thể B.1.617 ở Ấn Độ tính đến ngày 27/4 đã được phát hiện trong hơn 1.200 trình tự được tải lên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID từ ít nhất 17 quốc gia. WHO cũng thừa nhận các dữ liệu sơ bộ cho thấy B.1.617 có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các biến thể đang hiện diện ở Ấn Độ và tăng khả năng lây nhiễm.
WHO nhấn mạnh, các biến thể khác xuất hiện cùng thời điểm cũng cho thấy khả năng lây nhiễm nhanh hơn và sự kết hợp này có thể đóng một vai trò trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở Ấn Độ.
Đối với chủng Bengal, các chuyên gia lo ngại biến thể mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Bởi theo giải thích, trong chủng B.1.618 có đột biến E484K, giúp virus né tránh hệ miễn dịch. E484K cũng được tìm thấy trong các biến thể của virus ở Brazil và Nam Phi.
Nhà nghiên cứu Sreedhar Chinnaswamy, Viện Gene Y sinh Quốc gia thậm chí còn lo ngại rằng, với biến thể B.1.618, chúng ta có thể không an toàn ngay cả khi đã tiêm phòng, hoặc từng mắc bệnh một lần.
Về vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, thực chất đây là hai loại vaccine khác nhau, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vector là virus rAd26 (cùng loại với vaccine đang được phát triển bởi Johnson & Johnson và Trường Y Harvard). Liều thứ hai là các vector rAd5 (cùng loại với vaccine được CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).
Trước đó, các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V đã được công bố ở UAE, Ấn Độ, Venezuela và Belarus cho thấy, hiệu quả đạt đến 91,4% sau 28 ngày khi tiêm liều vaccine đầu tiên (7 ngày sau liều thứ hai). Hiệu quả này lên đến 95% sau 42 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên.
Các nhà khoa học Nga cho rằng, việc tiêm một vaccine thứ hai khác mũi một sau 21 ngày sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Đồng thời, điều này được hi vọng là sẽ kéo dài khả năng miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều một loại vaccine hoặc 2 liều cùng một loại vaccine.
Ông Alexander Gintsburg (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga) cho biết: vaccine Sputnik V được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola và có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-Cov-2 trong vòng 2 năm.
Theo Worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 149.289.818 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.147.190 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 801.473 và 13.866 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 127.326.251 người, 18.813.969 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.026 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (362.902 ca), Brazil (71.107 ca) và Mỹ (43.457); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.285 ca), tiếp theo là Brazil (2.818 ca) và Mỹ (777 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.918.502 triệu người, trong đó có 587.276 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 17.988.637 ca nhiễm, bao gồm 201.165 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14.441.563 ca bệnh và 395.022 ca tử vong.