Gợi ý cách ôn tập môn Ngoại ngữ giai đoạn nước rút
Giáo dục - Ngày đăng : 15:57, 27/04/2021
Đó là chia sẻ của cô Đào Thị Thu Trang - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội về cách ôn thi môn Ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút tại buổi giao lưu trực tuyến “Thi tốt nghiệp THPT, tự tin vượt vũ môn quan” do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức.
Theo như đánh giá của cô Trang, cấu trúc đề thi Ngoại ngữ năm 2021 không có gì thay đổi so với năm 2020, gồm các phần như sau: Phát âm; Trọng âm; Chọn đáp án đúng; Đồng nghĩa; Trái nghĩa; Giao tiếp; Đọc và điền từ; Đọc hiểu 2 bài; Tìm lỗi sai; Câu đồng nghĩa; Nối câu.
Cô Trang nói thêm, dựa trên cấu trúc đề thi cô có một số gợi ý ôn tập, để các em có một kỳ thi thành công:
Về từ vựng, cần phải ôn tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 11 và 12. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến sự kết hợp từ, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, sự lựa chọn từ, các từ dễ gây nhầm lẫn.
Về ngữ pháp, ôn tập các chủ điểm ngữ pháp được học trong chương trình phổ thông, từ lớp 10 đến lớp 12. Chú trọng ôn những chủ điểm cơ bản, dễ lấy điểm, như: câu hỏi đuôi, câu điều kiện, mệnh đề thời gian, đại từ quan hệ, lượng từ, câu so sánh, câu tường thuật, mạo từ, sự hòa hợp chủ - vị, động từ khuyết thiếu,…
Đối với phần đọc hiểu, luyện kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh để có thể làm tốt dạng câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Học sinh cũng cần nâng cao vốn từ vựng để có thể đọc hiểu bài tốt hơn, đặc biệt là bài đọc hiểu số 2. Ngoài ra, các em cần làm thật nhiều bài đọc hiểu để rèn luyện khả năng nắm bắt ý chính của bài và khả năng tư duy, suy luận tìm ra đáp án đúng.
Cô Trang cũng lưu ý, ở giai đoạn cuối, các thí sinh cũng cần tăng tốc luyện đề thi thử bám sát cấu trúc của đề tham khảo để nâng cao kỹ năng làm bài và ôn tập toàn diện.
“Khi làm bài thi, thí sinh nên lựa chọn dạng bài dễ lấy điểm làm trước, dạng khó làm sau để tạo điểm tựa tâm lý vững chắc ngay từ khi bắt đầu làm bài”, cô Trang nhấn mạnh.
Cô Trang cũng lưu ý thêm, một số dạng bài các em nên làm ngay thi nhận được đề, gồm: các câu hỏi ngữ pháp cơ bản, dễ lấy điểm, 2 câu tình huống giao tiếp, 2 câu tìm lỗi sai (để lại câu từ vựng), 2 câu tìm từ đồng nghĩa, 2 câu phát âm, 2 câu trọng âm, các câu hỏi về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa (để lại câu thành ngữ), 5 câu bài đọc điền từ.
“Sau đó, 2 bài đọc hiểu và các câu hỏi về từ vựng, cụm động từ, thành ngữ, sự kết hợp từ và bài nối câu nên làm cuối vì đây là những dạng bài khó, cần nhiều thời gian tư duy mới ra đáp án”, cô Trang nói.