Hội thảo Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt
Tòa án - Ngày đăng : 12:04, 27/04/2021
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học …
Về phía đại diện quốc tế có bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam. Bà Shelley Casey, Chuyên gia Unicef Việt Nam tại Autralia tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người chưa thành niên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của Tòa án, đặc biệt là qua công tác giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em, số vụ án ly hôn, cũng như tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích khác... diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ em, đồng thời đe dọa sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Ở khía cạnh pháp lý, thực hiện Kết luận số 84-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.”
Ở bình diện quốc tế, hiện nay, thay vì chỉ quy định ở một phần hoặc một chương của các đạo luật, hầu hết các quốc gia đều có xu hướng xây dựng đạo luật riêng để xử lý các tình huống pháp lý đặc biệt mà người dưới 18 tuổi gặp phải (gọi là Luật Tư pháp người chưa thành niên). Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, thì có 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, chỉ có 7 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa xây dựng đạo luật riêng về vấn đề này. Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em thời gian qua cũng đã nhiều lần khuyến nghị các quốc gia thành viên cần xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên để bảo vệ đối tượng này khỏi sự xâm hại.
Xuất phát từ những phân tích nêu trên, tại Chương trình số 08-CTr/BCĐCCTPTW ngày 28-02-2021 về Chương trình công tác năm 2021 của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã giao Ban cán sự đảng TANDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”, dự kiến trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến vào tháng 12/2021.
Để củng cố thêm các cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc triển khai nghiên cứu Đề án, TANDTC tổ chức Hội thảo “Tham vấn góp ý đối với dự thảo Đề án xây dựng Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với bố cục của Đề án, các nội dung đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt. Ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học là nguồn tư liệu quý, quan trọng cho TANDTC trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Tại hội thảo, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Unicef đã hỗ trợ tiến hành nhiều nghiên cứu, cung cấp các thông tin hữu ích cho việc đề xuất hình thành Tòa án chuyên trách cho người chưa thành niên và hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến tư pháp người chưa thanh niên tại Việt Nam. Bà Rana Flowers cho rằng: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và trong các văn bản pháp luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng và chuyên biệt. Đề án lần này là cơ hội lý tưởng để đề xuất những cải cách mạnh mẽ và toàn diện nhằm giúp Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực và các thông lệ tốt nhất của quốc tế. Đặc biệt, với việc tổ chức hội thảo lần này, trên cơ sở phân tích một cách toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, bà Rana Flowers hy vọng TANDTC sẽ sớm hoàn thành Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Dự thảo Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt, TS Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc tăng cường hệ thông tư pháp người chưa thành niên và ban hành nhiều quy định đặc biệt cho người chưa thành niên trong các bộ luật quy định về hệ thống từ pháp hình sự và hành chính. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một văn bản luật chuyên biệt và toàn diện để cung cấp một nền tảng vững chắc cho hệ thống từ pháp người chưa thành niên riêng biệt và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) đang nằm phân tán, rải rác trong nhiều văn bản luật và dưới luật, dẫn đến sự phân mảnh và gây khó khăn trong quá trình thực thi hiệu quả.
Trong Bình luận chung số 24 về Quyền trẻ em trong Hệ thống Tư pháp Trẻ em (2019), Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng trẻ em có sự phát triển về thể chất và tâm lý khác biệt so với người lớn, những điểm khác biệt này là cơ sở để công nhận khả năng nhận thức chưa đầy đủ và cần phải có một hệ thống riêng biệt với cách tiếp cận khác biệt, cá nhân hóa, có tính đến các quyền và nhu cầu riêng cũng như tiềm năng cải tạo và phục hồi của người chưa thành niên. Điều này đòi hỏi phải cải cách hệ thống tư pháp hình sự và hành chính cho người trưởng thành một cách toàn diện và thống nhất. Không nhất thiết phải có các cơ cấu, đơn vị và cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn riêng biệt để xử lý người chưa thành niên. Tuy nhiên, cần có một văn bản luật riêng biệt quy định bộ nguyên tắc, mục tiêu, thủ tục và các chế độ rõ ràng được điều chỉnh đặc biệt dành riêng cho người chưa thành niên để hướng dẫn xử lý người chưa thành niên.
Trình bày tham luận trực tuyến về kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên. Bà Shelley Casey, Chuyên gia Unicef Việt Nam tại Autralia cho biết: Với tình hình thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, một đạo luật toàn diện về tư pháp dành cho người chưa thành niên là cần thiết. Vì các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên hiện đang nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến tình trạng phân tán và khó thực hiện hiệu quả.
So với luật toàn diện về tư pháp trẻ em của các quốc gia khác, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam còn thiếu hướng dẫn chi tiết về các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên. Các luật hiện hành chỉ điều chỉnh chút ít các thủ tục tố tục chuẩn dành để xử lý người chưa thành niên chứ chưa thúc đẩy một cách tiếp cận khác biệt căn bản khi xử lý người chưa thành niên.
Cách xử lý hiệu quả và nhạy cảm với người chưa thành niên đòi hỏi nỗ lực phối hợp của tất cả mọi chủ thể liên quan đến hệ thống tư pháp hành chính và hình sự. Nếu chỉ cải cách trong một khía cạnh của hệ thống sẽ không có hiệu quả trừ khi được tiến hành cùng với các cải cách tương ứng trong các lĩnh vực khác.
Thông qua một luật toàn diện, Việt Nam có thể thúc đẩy cách tiếp cận chuyên môn hóa trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, đảm bảo rằng tấ cả các cơ quan hợp tác cùng nhau hướng tới các mục đích và mục tiêu chung và thiết lập một cơ chế điều phối cho hệ thống tư pháp cho người thành niên.
Theo bà Shelley Casey kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc mở rộng các loại biện pháp không giam giữ có thể áp dựng đối với người chưa thành niên sẽ không hiệu quả nếu không đồng thời quan tâm đến việc tăng cường chất lượng dịch vụ giám sát và giáo dục cho người thành niên. Chìa khóa để thực hiện hiệu quả các biện pháp và hình phạt không giam giữ đối với người chưa thành niên là có một cơ quan quản chế/cải tạo dựa vào cộng đồng mà nhân viên ở đó là các cán bộ xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp để giám sát người chưa thành niên bị dụng các biện pháp này.
Thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp cho người chưa thành niên, khoảng trống này trong luật pháp Việt Nam có thể được giải quyết bằng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giám sát, giáo dục người chưa thành niên đang phải áp dụng các hình phạt hoặc biện pháp cải tạo không giam giữ; Đơn giản hóa và rút gọn các thủ tục thực hiện các biện pháp này; Quy định chi tiết hơn nội dung cần thiết của chương trình giám sát, giáo dục và tái hòa nhập.
Tại Hội thảo các chuyên gia và nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với bố cục của Đề án, các nội dung đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt. Trong đó có 05 tham luận của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong nước và 01 tham luận của chuyên gia quốc tế qua hệ thống trực tuyến. Cùng với đó là nhiều ý kiến phát biểu thảo luận tại hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, trao đổi, góp ý hết sức thẳng thắn, cụ thể và sâu sắc, về kinh nghiệm và các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các luật gia trong quá trình xây dựng Đề án. Đây là những chia sẻ có ý nghĩa quý báu cho TANDTC sớm hoàn thiện Đề án. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đồng chí tại hội thảo này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý xây dựng dự thảo Đề án kịp tiến độ.
Tại Hội thảo này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn trong thời gian tới Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ về kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng Đề án đạt hiệu quả cao hơn, đúng chuẩn mực pháp luật quốc tế.