Tin vắn thế giới ngày 26/4: Tổng thống Biden được đánh giá cao trong 100 ngày đầu ngồi “ghế nóng”

Chuyển động - Ngày đăng : 07:04, 26/04/2021

Tổng thống Biden được đánh giá cao trong 100 ngày đầu ngồi “ghế nóng”; Tổng thống Putin ký sắc lệnh đáp trả các quốc gia “không thiện chí”; Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Biden được đánh giá cao trong 100 ngày đầu ngồi “ghế nóng”

Kết quả của 3 cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ hiệu quả điều hành của Tổng thống Joe Biden trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm.

Xét về tổng thể, các kết quả thăm dò chỉ ra rằng tỷ lệ người Mỹ trưởng thành hài lòng với hiệu quả điều hành của ông Biden giao động 52 - 58%, trong khi đó, tỷ lệ ý kiến không hài lòng là từ 39 - 42%. Tuy nhiên, tỷ lệ đánh giá tích cực cũng bị phân hóa theo lập trường của các đảng. Có khoảng 90% người theo đảng Dân chủ cho biết họ đánh giá cao hiệu quả làm việc ông Biden, và chỉ có 9 - 13% người theo đảng Cộng hòa đưa ra đánh giá tương tự.

joebiden.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Putin ký sắc lệnh đáp trả các quốc gia “không thiện chí”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép nước này hạn chế số lượng hoặc cấm hoàn toàn người Nga được tuyển dụng tại các đại sứ quán của các quốc gia được cho là có thái độ không thiện chí đối với Nga.

Sắc lệnh yêu cầu chính phủ thiết lập một danh sách bao gồm các nước được cho là có thái độ “không thiện chí”. Sắc lệnh này không chỉ áp dụng đối với đại sứ quán các nước mà còn bao gồm các lãnh sự quán và cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia.

Ngoại trưởng Đức phản đối trừng phạt cứng rắn hơn với Nga

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 25/4 đã cảnh báo sự đối đầu với Nga, đồng thời lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Moscow.

Phát biểu trong chương trình "Bericht aus Berlin" của kênh ARD, Ngoại trưởng Maas đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn. Theo ông, sự khiêu khích như vậy sẽ dẫn tới những mâu thuẫn nghiêm trọng, bởi quan hệ khi đó "sẽ rất tệ" và không nên tiếp tục như vậy.

Nối lại Đối thoại Shangri-La theo hình thức trực tiếp

Đối thoại Shangri-La thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London tổ chức tại Singapore sẽ được nối lại trong năm nay dưới hình thức họp mặt trực tiếp trong hai ngày 4-5/6, với một chuỗi sự kiện tập trung ở khách sạn cùng tên.

Thủ tướng Armenia từ chức

Ngày 25/4, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo quyết định từ chức trên tài khoản Facebook cá nhân để mở đường cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 6 tới.

Ngay sau quyết định của Thủ tướng Pashinyan, toàn bộ thành viên Nội các cũng đã từ chức, theo đúng luật định của nước này. Mặc dù từ chức, ông Pashinyan vẫn duy trì vai trò điều hành với tư cách là người đứng đầu của chính phủ lâm thời.

Mỹ tạm đóng cửa các cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 24/4, Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, các phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng cửa đối với các dịch vụ thông thường từ ngày 26-27/4 do lo ngại các cuộc biểu tình và phản đối tại quốc gia này sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng các cuộc thảm sát người Armenia trong thời kỳ Đế chế Ottoman năm xưa là "tội ác diệt chủng".

Mỹ và NATO chính thức rút quân khỏi Aghanistan

Mỹ và NATO đã bắt đầu rút quân khỏi Aghanistan – đó là thông tin được Trung tướng Austin Scott Miller, Tư lệnh các lực lượng quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan công bố tại buổi họp báo ngày 25/4.

Theo ông Miller, liên minh do Mỹ đứng đầu đã rút quân khỏi nhiều căn cứ ở Afghanistan và sau khi rút hết, toàn bộ các căn cứ sẽ được bàn giao lại cho lực lượng vũ trang của Afghanistan.

my-va-nato-chinh-thuc-rut-quan-khoi-aghanistan.jpg
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự Dwyer ở tỉnh Helmand, Afghanistan.

Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu

Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24/4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ.

EU và nhiều nước hỗ trợ Ấn Độ ứng phó dịch COVID-19

Ngày 25/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự Liên minh châu Âu (EU) đồng thời tìm cách đưa oxy và thuốc men sang hỗ trợ Ấn Độ sau khi nhận được lời đề nghị từ quốc gia Nam Á - đang ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức cao nhất thế giới.

Trong tuyên bố trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ rất đáng báo động và EU sẵn sàng hỗ trợ nước này. Hiện EU đang sẵn sàng phối hợp với các nước trong liên minh, sẵn sàng cung cấp khẩn cấp oxy và thuốc men cho Ấn Độ.

Mỹ, Pháp và Anh thông báo kế hoạch hỗ trợ Ấn Độ chống dịch

Ngày 25/4, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở "quan trọng" trong những ngày tới. Theo thông báo, kế hoạch hỗ trợ của Pháp bao gồm cả các máy trợ thở.

Trước đó, chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới Ấn Độ.Theo Bộ Ngoại giao Anh, số thiết bị trên được lấy từ kho dự trữ còn dư của nước này và chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến New Delhi vào sáng 27/4.

Dịch COVID-19 đã lây lan tại 22/25 tỉnh, thành của Campuchia

Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh.

Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp. Toàn bộ 616 ca nhiễm mới đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, gồm công dân Campuchia và Trung Quốc sống tại các tỉnh Kampong Speu, Koh Kong, Kampong Chnang, Kandal, Kampong Thom, Mondulkiri, Svay Rieng, Prey Veng, Takeo, Sihanoukville và thủ đô Phnom Penh.

140 người bị tiêm nhầm nước muối sinh lý thay vì vaccine COVID-19 ở Pháp

Nhiều người đến tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech đã bị tiêm nhầm nước muối sinh lý.

Theo hãng tin RT (Nga), khoảng 140 người đến trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện Đại học Reims ở thị trấn Eperney, cách thủ đô Paris của Pháp khoảng 130km về phía đông bắc, đã bị tiêm nhầm nước muối sinh lý chứ không phải vaccine COVID-19.

Chính phủ Pháp họp khẩn sau vụ tấn công bằng dao sát hại một nữ cảnh sát

Chính phủ Pháp ngày 24/4 đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp sau vụ một người đàn ông Tunisia dùng dao tấn công một nữ cảnh sát, 49 tuổi, là nhân viên hành chính của sở cảnh sát thành phố Rambouillet, gần thủ đô Paris. Vụ việc có nhiều dấu hiệu của tấn công khủng bố và cảnh sát đã thẩm vấn 3 đối tượng tình nghi liên quan đến hung thủ.

Tàu chở dầu của Iran bị tấn công, 3 người thiệt mạng

Ngày 24/4, Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 3 người thiệt mạng khi tàu chở dầu của Iran bị tấn công ở vùng biển ngoài khơi Syria.

Theo Giám đốc của SOHR Rami Abdel Rahman, tàu chở dầu đến từ Iran bị tấn công ở khu vực cách không xa cảng Banias của Syria. Vụ tấn công đã dẫn tới hỏa hoạn trên tàu khiến ít nhất 3 người Syria thiệt mạng, trong đó có 2 người là thành viên của thủy thủ đoàn.

Bạch Dương