“Tiếp tay” cho doanh nghiệp buôn lậu gỗ quý - 3 cán bộ Hải quan sắp hầu tòa

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 12:44, 27/05/2014

Vì “lười” kiểm tra, 3 cán bộ Hải quan làm ngơ để lọt vụ buôn lậu hàng trăm mét khối gỗ quý ra nước ngoài, làm lợi cho doanh nghiệp buôn gỗ hơn 63 tỷ đồng, và thất thoát tiền thuế của Nhà nước hàng tỷ đồng.

Hậu quả là 3 cán bộ Hải quan bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Gỗ lậu vẫn cho thông quan

Sáng 22/5, thông tin từ VKSNDTC cho biết, đơn vị này vừa tống đạt cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại cảng Đà Nẵng”. 5 bị can bị truy tố gồm: Trương Huy Liệu (SN 1958 trú tại Quảng Trị, Giám đốc công ty Ngọc Hưng), Trần Thị Dung (SN 1961, trú tại Quảng Trị, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng; Dung là vợ của Liệu) bị truy tố về tội buôn lậu. 3 cán bộ hải quan: Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú tại Quảng Trị, công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị), Lê Xuân Thành (SN 1962 trú tại Quảng Trị, công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú tại TP. Đà Nẵng, công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 “Tiếp tay” cho doanh nghiệp buôn lậu gỗ quý - 3 cán bộ Hải quan sắp hầu tòa

Lô hàng bị phát hiện tạm giữ phục vụ điều tra làm rõ tại Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng

Trước đó, trong một lần giao dịch tại tỉnh Savanakhet của Lào, Giám đốc công ty Ngọc Hưng là Trương Huy Liệu gặp hai người dân tại đây tên là Hóm và Trắc. Hai người này là những người buôn bán gỗ tại Lào, chào bán cho Liệu lô hàng gỗ quý với giá phải chăng. Để tỏ thiện chí, hai người này giới thiệu luôn cho Liệu một khách hàng Trung Quốc mua số gỗ kể trên. Nhiệm vụ của Liệu hoàn tất thủ tục giấy tờ lô gỗ và xuất hàng đi Trung Quốc. Liệu thống nhất với các đối tượng, lấy tư cách pháp nhân của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào do Khamfong Vorabouth làm giám đốc để hợp thức hồ sơ, giấy tờ cho lô hàng nói trên.

Để có thể đưa được số gỗ trên vào Việt Nam và xuất ra nước ngoài, Liệu chỉ đạo nhân viên làm các giấy tờ khống nhằm qua mắt các cơ quan chức năng cửa khẩu của Việt Nam khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ. Nhằm hợp thức hóa số gỗ quý và đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, Liệu chỉ đạo lập các hợp đồng mua bán khống với công ty Eastwell, Hồng Kông, Trung Quốc. Người ký tên các giấy tờ giả này chính là vợ của Liệu, bà Trần Thị Dung, Phó giám đốc công ty Ngọc Hưng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, số gỗ quý được đưa vào Việt Nam, rồi được xếp lên tàu xuất khẩu mà không gặp quá nhiều những thủ tục hải quan. Nguyên nhân là trong quá trình kiểm tra các giấy tờ, ba cán bộ hải quan chỉ làm cho có, khiến lô hàng không bị phát hiện và thương vụ mua bán gỗ quý sắp thành công.

Sau khi 14/21 container được bốc xếp lên tàu để chuẩn bị đưa đi Hồng Kông thì Tổng cục Hải quan phát hiện được vụ việc và chỉ đạo tạm dừng toàn bộ lô hàng. Theo kết luận giám định, toàn bộ lô gỗ bị bắt gồm gỗ trắc và gỗ giáng hương, cả hai đều thuộc gỗ nhóm IIA thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Lô hàng trên có khối lượng 614,6m3 gồm: 590,8m3 gỗ Trắc và 23,8m3 gỗ Giáng Hương. Tổng giá trị tài sản của lô hàng khoảng hơn 63,6 tỷ đồng. Phát hiện công ty Ngọc Hưng nhập và xuất lậu gỗ nên Cục điều tra chống buôn lậu-Tổng Cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ.

“Làm ngơ” để “lọt” vụ buôn lậu 614,6m3 gỗ quý

Ba cán bộ hải quan bị khởi tố do có liên quan đến một vụ buôn bán gỗ lậu quy mô lớn từ Lào về Việt Nam, và xuất khẩu sang Hồng Kông – Trung Quốc. Theo đó, công ty Ngọc Hưng làm thủ tục hải quan để xuất khẩu 22 container gỗ. Để đảm bảo về mặt giấy tờ trước khi lô hàng được chuyển vào Đà Nẵng để lên tàu đi nước ngoài, công ty Ngọc Hưng phải đưa các container gỗ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt thuộc Cục Hải quan Quảng Trị để kiểm tra. Do không làm hết trách nhiệm của mình, hai cán bộ hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt chỉ kiểm tra 4/22 container và không phát hiện có gì bất thường nên dừng kiểm tra, làm thủ tục thông quan cho 22 container. Vì không kiểm tra hết lô hàng nên Nhi và Thành không phát hiện được gỗ trắc và giáng hương trong các container chưa kiểm tra gây thất thoát khoản tiền thuế hơn 3 tỷ đồng.

 “Tiếp tay” cho doanh nghiệp buôn lậu gỗ quý - 3 cán bộ Hải quan sắp hầu tòa

Lô hàng gỗ tạm nhập tái xuất có giá trị nhiều “triệu đô” đang đươc phanh phui làm rõ

Sáng 21/2/2012, lô hàng gỗ quý trên được đưa từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để tiếp tục xuất khẩu sang nước ngoài. Khi vào địa phận TP Đà Nẵng, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã phát hiện xe ô tô tải kéo container gỗ cho công ty Ngọc Hưng có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Cơ quan này đã tiến hành phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt tiến hành khám xét toàn bộ lô hàng. Lúc này, lô hàng đang được bốc xếp lên tàu để xuất khẩu. Nguyên nhân việc không phát hiện được số gỗ của công ty Ngọc Hưng là buôn lậu do một cán bộ hải quan của cảng Tiên Sa – TP. Đà Nẵng là Đỗ Danh Thắng không làm hết trách nhiệm. Thắng chỉ lựa chọn ngẫu nhiên một container để kiểm tra. Khi kiểm tra chưa xong thì Thắng đã ký vào tờ trình của công ty Ngọc Hưng, cho phép toàn bộ lô hàng được phép xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngày 27/6/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành, là 2 cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, và Đỗ Danh Thắng, Chi cục trưởng hải quan khu công nghiệp Đà Nẵng thuộc Cục hải quan Đà Nẵng, về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau thời gian dài điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất theo tờ khai Hải quan số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Công ty Ngọc Hưng nhưng 2 bị can này đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao, không phát hiện được 27 kiện hàng gồm 867 sản phẩm gỗ trắc; 23,8 m3 gỗ Giáng Hương; 224,9m3 gỗ Trắc xẻ trị giá trên 30 tỷ đồng mà công ty Ngọc Hưng không khai báo.

Riêng bị can Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trưởng hải quan khu công nghiệp Đà Nẵng thuộc Cục hải quan Đà Nẵng cùng bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng được tại ngoại để phục vụ quá trình điều tra, làm rõ của cơ quan CSĐT. Vì không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, Thắng không kiểm tra lô gỗ quý trên, không phát hiện được 21 container gỗ có vi phạm của công ty Ngọc Hưng, gây thất thoát tiền chi phí bốc dỡ 14 container, chi phí lưu bãi, chi phí niêm phong kẹp chì, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Từ kết luận điều tra, cơ quan CSĐT Bộ công an xác định có đầy đủ cơ sở để truy tố các bị can. Cơ quan CSĐT đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKSNDTC và đơn vị này đã tống đạt cáo trạng truy tố năm bị can trong vụ việc này về hành vi Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp tục xác định tư cách pháp nhân của các công ty, đối tượng liên quan

Liên quan đến vụ việc, cơ quan CSĐT đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp, xác định tư cách pháp nhân của các công ty trong các giấy tờ khống, cùng các đối tượng môi giới, vận chuyển lô gỗ quý cho phía Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào để có cơ sở phối hợp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả. Cơ quan CSĐT tiếp tục xác định tư cách pháp nhân của các công ty, đối tượng liên quan

 

Huyền Trân