Luật sư mong muốn một phán quyết phù hợp với ông Vũ Huy Hoàng
Pháp đình - Ngày đăng : 17:17, 24/04/2021
Nhận định của cáo trạng là vô căn cứ
Theo đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo Hoàng chỉ đạo cấp dưới “dùng quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl” là không có căn cứ.
Luật sư Thiệp nêu, vào thời điểm ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01 (Hợp đồng 01) để thành lập Công ty Cổ phần (Sabeco Pearl), Sabeco vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định giao đất/cho thuê đất, chưa được cấp Giấy CNQSD đất đối với khu đất trên. Do đó, Sabeco không đủ điều kiện để được góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm: “Hợp đồng nguyên tắc và Hợp đồng 01 được ký kết giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư không có điều khoản nào thể hiện Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cả 3 văn bản của Bộ Công Thương liên quan đến việc chỉ đạo hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp để thành lập Sabeco Pearl đều không đề cập tới việc chỉ đạo Sabeco góp vốn vào Công ty Cổ phần bằng quyền sử dụng đất.
Cáo trạng cũng không chứng minh được cụ thể việc bị cáo Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại văn bản nào hay chỉ đạo bằng miệng cho người nào. Do đó, nhận định trên của cáo trạng là vô căn cứ”.
Theo luật sư Thiệp, từ Hợp đồng nguyên tắc đến Hợp đồng 01 đã có sự thay đổi căn bản: Sabeco từ là chủ đầu tư, nắm quyền sở hữu “quyền sử dụng đất”, trở thành không còn là chủ đầu tư mà chỉ là một bên góp vốn. Đồng nghĩa với đó, nhóm các nhà đầu tư ban đầu chỉ là người góp vốn, nay trở thành chủ đầu tư, nắm quyền sở hữu “quyền sử dụng đất”.
“Đây chính là tiền đề cho việc chuyển “quyền sử dụng đất” từ Sabeco sang Sabeco Pearl”, luật sư Thiệp nói.
Sau khi thành lập Sabeco Pearl, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco, đã ký văn bản số 374 gửi UBND TPHCM đề nghị cho Sabeco Pearl được thực hiện nghĩa vụ tài chính và được chấp thuận là chủ đầu tư dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Văn bản do ông Tuất ký viện dẫn 2 công văn của Bộ Công Thương là 5594 và 6427.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục phân tích: “Cả hai văn bản trên của Bộ Công Thương đều không chỉ đạo Sabeco chuyển giao cho Sabeco Pearl thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, cũng như không chỉ đạo cho phép Sabeco Pearl là chủ đầu tư dự án”.
Tiếp đó, luật sư Thiệp đã dẫn lời khai của bà Phạm Thị Hồng Hạnh về việc, nội dung trong văn bản 374 không được đưa ra bàn bạc thông qua tại HĐQT Sabeco. Việc ông Phan Đăng Tuất không phải là người đại diện theo pháp luật của Sabeco, không được Tổng Giám đốc ủy quyền nhưng vẫn ký văn bản này là trái với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Sabeco.
“Hồ sơ vụ án thể hiện, một số cá nhân của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco hoàn toàn độc lập, chủ động thỏa thuận chuyển đổi nội dung cơ bản từ Hợp đồng nguyên tắc sang Hợp đồng 01 mà không được HĐQT thông qua. BPQLVNN cũng không báo cáo, xin ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này. Đây phải coi là sự tự ý và không chấp hành chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công Thương của một số cán bộ BPQLVNN.
Vì vậy, ai phải chịu trách nhiệm về việc để khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ “đất công” thành “đất tư” thì đã có thể thấy rõ.” - luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, trong suốt quá trình “đất công” bị biến thành “đất tư”, bị cáo Vũ Huy Hoàng không được biết, không chỉ đạo cho Sabeco thực hiện như vậy.
Mong có một phán quyết phù hợp
Nói về việc thoái vốn, tài liệu tố tụng xác định, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp ngày 29/3/2016 bàn về chủ trương thoái vốn theo phương án sơ bộ. Sau cuộc họp, Văn phòng Bộ Công Thương đã ra Thông báo số 140 ngày 31/3/2016, trong đó có nêu về vấn đề giá sàn.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho hay, sau khi nhận được Thông báo số 140, nhận thấy nội dung này có vấn đề không rõ ràng và không đúng ý kết luận của mình, bị cáo Hoàng đã trực tiếp chỉnh sửa vào bản Thông báo 140. Thông báo này sau đó được hoàn chỉnh lại nội dung: “… Tổng Công ty căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, quyết định giá sàn làm căn cứ để chào bán cổ phần của mình.”.
Văn bản trên, ông Vũ Hùng Sơn, phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương, đã ký và đóng dấu.
Luật sư Thiệp dẫn bút lục lời khai của ông Vũ Hùng Sơn: “Theo quy trình thông thường, nếu văn bản đã phát hành đi rồi, muốn chỉnh lại thì phải thu hồi lại hết những bản đã phát hành; sau đó ký, đóng dấu và phát hành lại văn bản mới. Tuy nhiên, cụ thể trong trường hợp Thông báo kết luận cuộc họp 140 này thì tôi không biết Văn phòng Bộ Công Thương có thực hiện việc thu hồi, phát hành lại hay không?”.
“Như vậy, kết luận chính thức của ông Hoàng chính là bản chỉnh sửa lần thứ 2, không có kết luận về giá. Trong trường hợp này, lẽ ra Văn phòng Bộ phải có trách nhiệm thu hồi văn bản cũ đã ban hành, sau đó ban hành văn bản thay thế. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà Thông báo cũ không được thu hồi, Thông báo mới thay thế không được phát hành. Trách nhiệm này không thuộc về bị cáo Hoàng.
Hơn nữa, sau khi chỉnh sửa lại Thông báo 140 lần 2 thì ông Hoàng nghỉ công tác, vì vậy ông không có điều kiện kiểm tra lại và cũng không có ai báo cáo ông việc này sau khi ông đã nghỉ.” - luật sư Thiệp phân tích.
Theo ông Thiệp, việc xác định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn thì trách nhiệm trước tiên thuộc về BPQLVNN và Vụ Công nghiệp nhẹ, Văn phòng Bộ Công Thương.
Luật sư Thiệp tiếp tục nhận định: “Cáo trạng đã không đánh giá đúng trách nhiệm của những người này mà đẩy toàn bộ trách nhiệm cho ông Vũ Huy Hoàng là không đúng bản chất sự việc, thiếu khách quan, không công bằng”.
Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cũng nêu thêm, ngày 8/4/2016, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của bị cáo Vũ Huy Hoàng. Vì vậy, kể từ sau ngày này, bị cáo Hoàng không thể có thẩm quyền chỉ đạo và theo đó chịu trách nhiệm về những việc xảy ra sau thời điểm đó (ngày 30/5/2016 mới có phương án thoái vốn chính thức, ngày 30/6/2016 mới tổ chức đấu giá và ngày 30/8/2016 mới có phê duyệt kết quả đấu giá).
Khép lại phần bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, bị cáo Vũ Huy Hoàng cả đời cống hiến cho Đảng và Nhà nước, được giao nhiều trọng trách, thể hiện công sức, sự cống hiến. Hiện nay, bị cáo Hoàng mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Trước khi ông Hoàng đến tham dự phiên tòa này, ngày 21/4, các bác sĩ Bệnh viện Việt Xô đã phải hội chẩn xem ông có đủ sức khỏe hay không, luật sư Thiệp nói: “Ông Hoàng quyết tâm thể hiện quyền được tham gia phiên tòa, quyền được lên tiếng, không né tránh”, vị luật sư này cũng đề nghị HĐXX xem xét, nếu có phải xử lý bị cáo Hoàng thì đưa ra một phán quyết phù hợp.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng mức án từ 10 - 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) mức án từ 7 – 8 năm tù.
Với nhóm các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, cựu lãnh đạo các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, VKS đề nghị xử phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) bị đề nghị xử phạt mức án từ 5 – 6 năm tù.