Xung quanh vụ việc vay nợ đầy “tai tiếng” ở Hải Dương: Những tồn tại cần được làm rõ
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 10:03, 17/03/2014
Đã có những vấn đề về pháp lý và thực tế đang được dư luận quan tâm …
Giải quyết tố cáo tội phạm: hòa cả làng
Gần đây, tập thể Anh hùng LLVT cựu tù Phú Quốc tỉnh Hải Dương có đơn đề nghị gửi cho các cơ quan báo chí nêu nhiều vấn liên quan trên địa bàn Tp Hải Dương… Đáng chú ý, trong đơn có nêu về vụ bà Phạm Thị Hương ở 12 Bắc Sơn, Tp Hải Dương xiết nợ đối với một cựu quân nhân là bà Đinh Thị Hợp. Vụ việc này, từ nhiều tháng qua đã có hàng loạt các cơ quan báo chí vào cuộc, phản ánh. Công an tỉnh Hải Dương cũng đã tiếp nhận đơn của bà Hợp tố cáo bà Hương về các hành vi cho vay nặng lãi và có dấu hiệu đe dọa chiếm đoạt tài sản của bà Hợp. Sau 4 tháng thụ lý, đến ngày 14/02/2014, Phòng cảnh sát ĐTTP về TTXH, Công an tỉnh Hải Dương ban hành “Thông báo kết quả giải quyết đơn” với nội dung xác định việc bà Hương cho vay tiền và tính lãi hàng tháng 2-3% không cấu thành tội phạm; việc cho mượn tiền và thỏa thuận thanh toán nợ ( thế chấp, chuyển nhượng nhà đất…) là quan hệ dân sự nên không cấu thành tội phạm cưỡng đoạt hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản…..
Cho rằng việc trả lời đó không khách quan, bà Hợp tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và đến nay chưa có kết quả. Theo Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn LSTP. Hà Nội) thì việc Công an tỉnh Hải Dương xử lý như vậy chưa đúng trình tự quy định và chưa làm rõ nội dung tố cáo. Khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra cần thẩm tra, xác minh và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đơn đó (trường hợp phức tạp cũng không quá 2 tháng) phải ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự được quy định tai khoản 2 Điều 10 BLTTHS. Trường hợp này, việc giải quyết đơn là quá thời hạn 2 tháng và chưa phù hợp với thể thức quy định bởi phải ban hành quyết định không khởi tố vụ án mới thỏa đáng. Cơ quan điều tra không nêu rõ số tiền vay gốc là bao nhiêu, đến khi tố cáo đã phải trả bao nhiêu để thể hiện rõ về lãi suất. Điều đó làm cho người tố cáo và dư luận càng thêm băn khoăn về căn cứ để đưa ra con số “khoảng 2-3%” lãi suất chỉ dựa trên lời khai của bà Hương là thiếu khách quan (!?) Việc bà Hương vay tiền hàng chục tỷ đồng rồi cho vay lại, lấy lãi đã nhiều năm, không đăng ký kinh doanh cũng cần được xem xét, xử lý theo quy định về hành vi kinh doanh trái phép.
Được biết, sau khi có thông báo trả lời đó, bà Hương tố cáo bà Hợp có hành vi vu khống và Phòng CSĐT về TTXH đã ban hành thông báo với nội dung không có dấu hiệu tội phạm. Những người quan tâm thì băn khoăn rằng liệu việc giải quyết tố cáo tội phạm có phải là …hòa cả làng(!?).
Giấy tờ thể hiện việc mua nhà do bà Hương hoàn toàn tự nguyện
Tự nguyện mua nhà rồi…”đổi ý”
Liên quan vụ vay nợ “tai tiếng” này, đã có nhiều nghi ngại liên quan đến bản chất của vụ việc. Bà Hương thừa nhận đã cho bà Hợp vay tiền nhiều lần, bắt đầu từ năm 2006, có lần thì thanh toán cả gốc và lãi xong và sau đó thì xé giấy nhận nợ hoặc gạch chéo hoặc “chị Hợp cầm giấy nhận nợ mang về”(?!) Điều này liệu có xảy ra trong thực tế không khi người đi vay cầm giấy nhận nợ?… Về nguồn gốc số tiền cho vay, bà Hương nói rằng là đi vay của nhiều người, trong đó vay của ông Phạm Phùng Long 17 tỷ. Tuy nhiên giấy tờ thể hiện bà Hương thế chấp để vay của ông Long lại là ngày 17/6/2013, phát sinh sau khi bà Hương chốt nợ với bà Hợp(!?). Đến đây dư luận đặt nghi vấn rằng việc đó có thật không, khi 17 tỷ đồng là số tiền không nhỏ mà ông Long dễ dàng cho bà Hương vay từ 2008 đến 2011 nhưng tận đến 2013, sau khi bà Hương chốt nợ với bà Hợp mới làm hợp đồng “để đảm bảo cho khoản vay”?
Cho đến thời điểm này, vụ việc lại trở nên phức tạp thêm bởi đã có tranh chấp sau khi đã “gán nợ”. Bà Hương đã viết “Giấy biên nhận thỏa thuận công nợ và bán nhà” với nội dung bà đã cho vợ chồng bà Hợp vay 35 tỷ( 33 tỷ nợ trước và 2 tỷ để cho bà Hợp rút sổ đỏ về). Do bà Hợp khó khăn nên thỏa thuận trả cho bà Hương 2 ngôi nhà (1 ở Hải Dương, 1 ở Hà Nội) để trừ số nợ đó. Các bên lập văn bản bán ngôi nhà ở Hải Dương rồi lập ủy quyền để bà Hương thay mặt bà Hợp đi làm các thủ tục sang tên trong thời hạn 10 năm. Bà Hương đã nhận giấy tờ về nhà đất và thực tế nhận nhà từ tháng 7/2013. Ngôi nhà ở Hà Nội thì bà Hương không ý kiến gì còn nhà ở Hải Dương thì chưa hết thời hạn ủy quyền, bà Hương “đổi ý” trả lại và đòi số nợ bà Hợp vay nhưng thể hiện mình khá “hào phóng” khi chỉ đòi 30 tỷ trong tồng số 33,17 tỷ(!?).
Theo Ls Ứng, giao dịch dân sự về mua bán nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại Hải Dương( thực chất là gán nợ) giữa các bên dù chưa đảm bảo đúng thủ tục theo quy định nhưng đó là giao dịch được pháp luật cho phép. Giao dịch đó được các bên xác lập hoàn toàn tự nguyện, đã chuyển giao tài sản và thanh toán xong ( đối trừ nợ). Cho nên, đó là hợp đồng thực tế nhưng cũng phải yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện tiếp nhằm hoàn tất thủ tục hành chính để hợp thức hóa quyền sở hữu. Bên cạnh đó, cần xem xét sự liên quan của ngôi nhà tại Hà Nội mà bà Hợp đã gán nợ cho bà Hương trong cùng với ngôi nhà ở Hải Dương trong việc thanh toán nợ này để thấy rõ việc đã nhận nợ xong của bà Hương là rõ ràng và thực tế.