Hệ lụy từ việc giá thép tăng phi mã
Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 19/04/2021
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá thép trong thời gian vừa qua có bước tăng phi mã. Các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II năm 2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo cho rằng giá thép có thể tăng đến hết quý III năm 2021.
Việc tăng giá ảnh hưởng đến tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng, khiến họ phải "khóc dở, mếu dở". Có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng kêu rằng họ đang phải đối diện nguy cơ thua lỗ, có khả năng phá sản vì giá thép tăng.
Trong đợt "sốt" giá thép vừa qua, đa số các doanh nghiệp đều thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa biết phải đối phó thế nào, vì dừng tiến độ phá vỡ hợp đồng thì chắc chắn bị phạt nặng, còn chạy theo hợp đồng thì chắc sẽ phá sản”.
Chẳng hạn như tại Universal Steel Buildings Việt Nam, với sản phẩm chính là nhà thép tiền chế sử dụng gần như 100% nguyên liệu đầu vào là thép, đang ở tình hình hết sức nguy khốn. Từ quý IV/2020 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm một nửa. Dự án nào may mắn thì hòa vốn, còn lại đa phần lỗ từ 5-10%.
"Có 2 hợp đồng mới ký gần đây nhất, trong quá trình thương lượng khách hàng đã nhận thấy đà tăng giá bất ổn nên yêu cầu ký trọn gói, không thay đổi giá trị hợp đồng khi giá vật tư biến động. Do đó, hợp đồng ký cách đây 2 tháng khiến chúng tôi lỗ 15%, còn hợp đồng ký cách đây 1 tháng đem về khoản lỗ đến 24%", ông Phạm Hoàng Thi - Giám đốc Công ty Universal Steel Buildings Việt Nam trải lòng với VOV.
Theo ông Thi, biên lợi nhuận thông thường của ngành dao động quanh mức 7-15%. Bởi vậy, khi giá tăng phi mã lên mức cao nhất lịch sử như hiện nay, việc thua lỗ là không thể tránh khỏi. Chưa kể, việc tăng giá mỗi ngày khiến doanh nghiệp phải thay đổi báo giá cho khách hàng liên tục, ảnh hưởng đến uy tín và thời gian.
"Cứ vài hôm chúng tôi lại thông báo tăng 3 - 10% giá nên khách hàng cũng cân nhắc nhiều. Đó là chưa nói đến việc không mua được thép nên việc triển khai dự án bị chậm trễ, bị phạt tiền", ông Thi nói.
Hay như với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ, sắt thép là nguyên vật liệu chính. Giá mặt hàng này tăng gần 50% từ đầu năm khiến Giám đốc Công ty thương mại Hà Nội phải lo lắng rằng “doanh nghiệp cầm chắc lỗ”. Với các hợp đồng đã ký, công ty không thể tăng giá thành sản phẩm, còn với các đơn hàng tương lai chắc chắn giá sẽ tăng 20-30%.
Lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp, doanh nghiệp đã phải ứng số tiền lớn để mua thép, trữ sẵn trong kho. Nhưng không phải giờ cứ muốn mua là có sẵn hàng. Bởi doanh nghiệp muốn lấy hàng phải báo trước vài ngày hoặc cả tuần vì hiện thép khá khan hiếm, thậm chí doanh nghiệp thanh toán trước đơn hàng mà vẫn không chắc chắn có.
Còn phía Công ty xây dựng Long Giang cũng tiết lộ, đã có ít nhất 2 dự án xây dựng công ty này phải từ chối không làm từ đầu năm tới giờ vì giá thép tăng quá cao, làm là cầm chắc chắn lỗ.
Liên tục trong thời gian qua, khi giá đầu vào biến động, các DN đầu tư kinh doanh BĐS thường rất cẩn trọng khi xây dựng các hợp đồng mua bán mà trong đó luôn kèm theo các phụ lục cho phép họ điều chỉnh lại giá bán khi thị trường có biến động. Và điều dễ thấy nhất là hầu hết sau khi đưa ra các hợp đồng góp vốn, các chủ đầu tư dự án đều điều chỉnh lại giá trong hợp đồng kinh tế mua bán BĐS với giá cao hơn giá góp vốn với khoảng cách khá lớn. Người mua trong trường hợp này ở trong tình thế buộc phải chấp nhận.
Theo các chuyên gia, tình trạng khó khăn do giá thép tăng dù rất khó giải quyết, nhưng không phải là không thể giải quyết được; việc thua lỗ nặng sẽ chỉ xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế mà nhà thầu không đề cập đến vấn đề thương thảo giá cả khi có biến động thị trường.
Ngoài ra, mức độ nguy hiểm dẫn đến nguy cơ phá sản sẽ được giảm thiểu nhiều nếu hợp đồng kinh tế có tính đến các yếu tố rủi ro. Điều này đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cũng như các thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 99/CP.