Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm những vấn đề người dân, doanh nghiệp đang trông chờ

Chính trị - Ngày đăng : 19:54, 15/04/2021

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên tại phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 15/4.
thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hop-chinh-phu1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP; tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm phòng vaccine COVID-19; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận.

Giải quyết dứt điểm những vấn đề người dân, doanh nghiệp đang trông chờ

Phát biểu kết luận phiên họp, sau khi nêu rõ về quan điểm định hướng chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Trung ương đã có quy định về nêu gương và thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu nêu gương thì cơ quan đơn vị đó có sự chuyển động hiệu quả và mọi việc suôn sẻ, bài học này cần tiếp tục được đẩy mạnh.

“Cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.

thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hop-chinh-phu.jpg
Thủ tướng: Trước mắt, giải quyết dứt điểm những vấn đề người dân, doanh nghiệp đang trông chờ

Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, trước hết giải quyết dứt điểm những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ và đóng góp ý kiến xây dựng, góp phần tạo đồng thuận xã hội để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương

Về Chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương phối hợp xây dựng chương trình hành động, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ tháng 4/2021.
Trong đó chương trình hành động phải bám sát thực tiễn, thiết thực, khả thi và hiệu quả, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Về Quy chế làm việc của Chính phủ, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi Quy chế theo trình tự, thủ tục rút gọn; nội dung rõ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân theo quy định pháp luật; Chính phủ tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, không quyết định thay những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương; các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho địa phương, cấp dưới trực tiếp.

Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, các cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc giải ngân đầu tư công.

Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhưng phải hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

Không để tình trạng vaccine không tiêm kịp thời, phải hủy bỏ

Về phòng, chống dịch và tiêm phòng vaccine COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”; đối với cá nhân thực hiện công thức “5K + vaccine”; đối với tập thể thực hiện nghiêm biện pháp “an toàn COVID”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” và tạo điều kiện thuận lợi để sớm có vaccine sản xuất trong nước.

Trong công tác rà soát, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì rà soát hệ thống pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; Các bộ, cơ quan tiến hành rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.

Về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng chỉ đạo, trên tinh thần chung là bảo đảm an ninh, an toàn, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch nhưng phải chọn được người thực sự xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bầu cử và đặc biệt là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện, tiếp tục hoàn thiện quy chế thi bảo đảm chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn. Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để chỉ đạo sao cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông bảo đảm  đúng luật pháp, an toàn, chất lượng.

Về quan điểm định hướng chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/ 2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng và cả năm 2021.

Tiếp tục tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Các nội dung chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và đảm bảo tính khả thi; đồng thời phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, giám sát, kiểm tra. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được; với tinh thần có kế thừa và đổi mới, ổn định, phát triển; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách thực chất và hiệu quả, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ, quan trọng, cấp bách phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường thương mại, du lịch trong nước; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững độc lập, chủ quyền; xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.


Xuân Lan