Thí sinh không có chứng chỉ quốc tế vẫn có cơ hội cạnh tranh công bằng trong tuyển sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 17:39, 15/04/2021
Vẫn công bằng với thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Những năm gần đây, việc các trường đại học đưa chính sách sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh để xét tuyển hoặc xét tuyển thẳng khiến nhiều phụ huynh, học sinh ở vùng khó khăn không có điều kiện để học ngoại ngữ thi chứng chỉ quốc tế lo lắng.
Trước những ý kiến đó, lãnh đạo nhiều trường đại học chia sẻ, thí sinh không có chứng chỉ tiếng anh quốc tế các em vẫn có cơ hội cạnh tranh công bằng, chứng chỉ chỉ chiếm một phần nhỏ so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, theo GS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng ĐH Phenikaa cho biết, chỉ tiêu cho việc xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của trường khoảng 25%.
Theo GS Hiếu, khi thí sinh tập trung vào học ngoại ngữ, có chứng chỉ quốc tế thì các em sẽ phải giảm bớt thời gian học các môn khác. Còn các thí sinh ở nông thôn không có nhiều điều kiện để chinh phục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì các em lại có thời gian để tập trung vào các môn khác. "Nên tôi nghĩ cũng không hẳn là không công bằng”, GS Hiếu nhấn mạnh.
GS. Hiếu cũng nói thêm: "ĐH Phenikaa chúng tôi cũng tạo áp lực cho sinh viên phải học tiếng Anh, chẳng hạn như Khoa Điện, giáo trình được soạn bằng tiếng Anh. Nếu các em có IELTS từ 6 đến 7. 0 cơ hội việc làm rất lớn vì các công ty nước ngoài rất nhiều".
Thị trường mở cửa rất cần đến Tiếng Anh
Theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng đa số các trường không đưa ra ngưỡng điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế quá cao, chỉ từ 5.0 trở lên, đây là mức mà các em học sinh nếu thực sự cố gắng hoàn toàn có thể đạt được.
“Để lên mức điểm cao hơn, như từ 6.0 IELTS trở lên thì cần môi trường tốt nhưng nếu ở trình độ từ trung bình đến khá thì tôi nghĩ dù ở môi trường nào các em cũng chỉ cần cố gắng là có thể đạt được, đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin và Internet phát triển như hiện nay,” ông Thạc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Thạc cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh, khi đang học phổ thông hãy có định hướng học chú trọng ngoại ngữ ngay từ sớm.
“Hãy quan tâm đến tiếng Anh như cách chúng ta vẫn dành thời gian cho toán, văn hay lý, hóa. Đây là việc chuẩn bị cho các em, cho xã hội trong tương lai vì khi thị trường lao động ASEAN mở, nếu không có ngoại ngữ, các em sẽ bị thất bại trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà”, ông Thạc nhấn mạnh.