Cục QLTT Hải Phòng: Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng “xách tay” hàng qua sử dụng
Kinh tế - Ngày đăng : 10:33, 12/04/2021
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục QLTT (Quản lý thị trường), Cục QLTT TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các Đội QLTT tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố; đấu tranh phòng chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên trường Quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, Cục QLTT TP Hải Phòng đã tổ chức cho gần 2.000 hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; cung cấp tài liệu cảnh báo, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát từ năm 2020 đến nay, Cục QLTT TP Hải Phòng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm với số lượng hoàng hóa trị giá rất lớn. Xử phạt hành chính gần 4 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa sung công quỹ nhà nước gần 4 tỷ đồng. Tiêu huỷ 3.000 tuýp kem bôi, gần 1.400 sản phẩm mỹ phẩm các loại, 3.000 sản phẩm quần áo các loại với trị giá hàng hoá tiêu huỷ hơn 2 tỷ đồng.
Được biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Theo đó, mức phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với cá nhân lến đến 50.000.000 đồng, tổ chức lên đến 100.000.000 đồng tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt, mức phạt trên sẽ tăng lên gấp đôi nếu tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc có giá trị dưới 100.000.000 đồng.
Tuy nhiên, tình trạng hàng “xách tay” và hàng đã qua xử dụng vẫn tràn lan trên thị trường do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng và lợi nhuận của người kinh doanh.
Bên cạnh đó, đối tượng kinh doanh những mặt hàng “xách tay”, hàng đã qua xử dụng chủ yếu thực hiện qua các nền tảng thương mại điện tử, bán theo đơn đặt hàng nên hàng hoá sau khi được nhập thường chia nhỏ và gửi ngay theo đường chuyển phát nhanh cho khách hàng. Do đó, số lượng hàng hoá không nhiều gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Ông Nguyễn Thế Hưng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, Cục QLTT cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý theo quy đinh những thông tin, địa chỉ kinh doanh do Báo Công lý phản ánh.