Chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội: Thẳng thắn, hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 21:11, 20/11/2014
Kinh tế chuyển biến tích cực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2014. Trong tháng 10 và tháng 11, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm khoảng 0,2%, 11 tháng tăng 2,16%, cả năm tăng dưới 3%; dư nợ tín dụng 11 tháng tăng khoảng 10%, cả năm tăng trên 12%; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5 - 2% so với cuối năm 2013; tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.
Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 137 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu khoảng 135 tỷ USD, tăng 12,6%; xuất siêu 2 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 6,16%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 5%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt dự toán, tăng 13,9%; chi ngân sách đạt 92,5% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Chỉ số hàng tồn kho đã trở lại mức bình thường… An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tạo việc làm cho trên 1,46 triệu lao động, đạt 91,2% kế hoạch năm, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tuy còn không ít khó khăn, hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, nỗ lực đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2014, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%. Đồng thời chủ động cân đối cung - cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Trần Xuân Hòa, Hà Sỹ Đồng, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Tiến Lộc… về vấn đề nợ công, Thủ tướng Chính phủ cho biết, nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công.
Chính phủ sẽ xử lý nợ xấu có hiệu quả
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giải trình về vấn đề xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%.
Nhờ sự nỗ lực chung, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465.000 tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7- 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012.
Thủ tướng cũng chia sẻ, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Khuôn khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của VAMC; thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Do vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mạnh để xử lý nợ xấu.