“Khoảng tối” đấu thầu Khu đô thị Nam Phúc Yên: Số liệu tài chính "lung tung", 3 tỷ đồng bảo đảm dự thầu cũng kêu khó

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 18:00, 09/04/2021

Báo cáo tài chính cho thấy Công ty Cổ phần Tây Đức sẵn hàng trăm tỷ đồng tiền mặt, song khi tham gia dự thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên, chỉ 3 tỷ đồng tiền bảo đảm dự thầu cũng khiến công ty này kêu khó.

Hai báo cáo tài chính, hai số liệu khác nhau

Như Báo Công lý đã thông tin trong bài “Khoảng tối” đấu thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên (sau đây gọi là dự án), dự án có quy mô 17,59 ha, với tổng mức đầu tư tạm tính là 346,82 tỷ đồng, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chấp thuận đầu tư cho Công ty Cổ phần Tây Đức ngày 21/4/2015, tại Quyết định số 2195/UBND-CN1.

Cuối năm 2012, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mời thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án này. Một trong 9 tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu là khả năng tài chính, huy động vốn: “Yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư là vốn thực có của chủ đầu tư tính đến năm gần nhất, được xác định thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp năm 2011 hoặc năm 2012, kèm theo quyết toán thuế hoặc báo cáo kiểm toán lớn hơn hoặc bằng 15% tổng mức đầu tư của dự án”. Đối chiếu theo tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu, vốn thực chủ đầu tư phải có tối thiểu là 52 tỷ đồng.

20210409_154112.jpg
2 báo cáo tài chính với 2 số liệu khác nhau.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tây Đức, kết thúc năm tài chính 2011, tài sản ngắn hạn của công ty là 292 tỷ đồng, trong đó tiền mặt chỉ có 149 triệu đồng, còn lại là hàng tồn kho 99,1 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn khác lên tới 150 tỷ đồng. Dù báo cáo tài chính này đã được kiểm toán, song kiểm toán viên cho biết không tham gia kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho. Trong khi đó, báo cáo tài chính Công ty Cổ phần Tây Đức gửi Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc lại thể hiện, kết thúc năm tài chính năm 2011, công ty có tới 99,7 tỷ đồng tiền mặt.

Trước đó ít tháng (ngày 3/9/2011), Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có Thông báo số 2780/TB-CT-KTT1 gửi Công ty Cổ phần Tây Đức, đề nghị đến làm việc để giải trình và bổ sung một số thông tin, trong đó có nội dung liên quan tới vốn chủ sở hữu 100 tỷ đồng của công ty. Cụ thể, để chứng minh năng lực tài chính, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Công ty Cổ phần Tây Đức gửi toàn bộ số tiền mặt tồn tại quỹ là 99,7 tỷ đồng của đơn vị vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng. Trong 5 ngày, nếu công ty không nộp, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đơn vị điều chỉnh lại nguồn vốn sát với tình hình tài chính thực tế của đơn vị.

Sau đó, Công ty Cổ phần Tây Đức không nộp số tiền trên vào tài khoản của công ty mà có công văn gửi Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, cam kết đã thực hiện góp vốn đầu tư đầy đủ theo giấy phép kinh doanh bằng tiền mặt!?

Tài chính “ọp ẹp”, vốn 100 tỷ đồng chỉ… trên giấy

Là một doanh nghiệp đăng ký vốn chủ sở hữu lên tới hàng trăm tỷ đồng, song tiềm lực tài chính thực của công ty lại vô cùng “ọp ẹp”, số tiền mặt gần một trăm tỷ đồng trong báo cáo tài chính rất đẹp nộp Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng như trong giấy đăng ký kinh doanh chỉ là… trên giấy!

20210408_125100.jpg
Một góc Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên.

Minh chứng là tháng 4/2012, trước thời điểm Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc mời thầu dự án Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên ít tháng, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012, khi nói về việc tham gia đấu thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tây Đức báo cáo: “Khó khăn trong hồ sơ năng lực vì là công ty mới thành lập. Công ty cần sự trợ giúp về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính. Để chứng minh dòng tiền là rất khó khắn”.

Tháng 8/2012, Ban điều hành Công ty Cổ phần Tây Đức đã có buổi bàn bạc tham gia đấu thầu chủ đầu tư dự án. Buổi làm việc kết thúc với thống nhất: “Liên quan tới chi phí làm hồ sơ dự thầu, khó khăn mà Công ty Cổ phần Tây Đức phải vượt qua là cần một tài sản đảm bảo từ 3-9 tỷ đồng… Nếu Sở Xây dựng yêu cầu bảo lãnh dự thầu 3 tỷ đồng, thì hai nhóm cổ đông mỗi nhóm lo 1,5 tỷ đồng”. Sau đó, số tiền 3 tỷ đồng đảm dự thầu, Công ty Cổ phần Tây Đức đã phải “nhờ” Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có thư bảo lãnh.

Theo hồ sơ phóng viên có được, tới tháng 3/2014, số tiền thực toàn bộ các cổ đông Công ty Cổ phần Tây Đức nộp vào công ty (theo sổ sách, chứng từ) chỉ là hơn 8,8 tỷ đồng.

Tới đây có thể khẳng định rằng, báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tây Đức gửi Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng như báo cáo tài chính đã được kiểm toán nói trên đều được “phông bạt” số liệu; Công ty Cổ phần Tây Đức không đủ điều kiện trúng thầu chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, bà Trịnh Thị Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tây Đức cho biết: Thời điểm đấu thầu chủ đầu tư dự án tôi chưa là cổ đông, nên không nắm rõ. “Khi nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông không thấy có dấu hiệu gì, rất minh bạch về tài chính”, bà Hà khẳng định, song không nói rõ số tiền đã bỏ ra để mua lại cổ phần từ các cổ đông là bao nhiêu.

Từ những dấu hiệu vi phạm pháp luật trên, đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình đấu thầu chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên. Trường hợp phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ cũng như lãnh đạo Sở Xây dựng thời kỳ đó.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Binh Nhất