Thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 08:20, 09/04/2021
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được nêu trong các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC và Kiểm toán Nhà nước.
Công tác của Quốc hội và Chủ tịch nước
Quốc hội khẳng định, trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt vào những năm cuối của nhiệm kỳ, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước, nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự quan tâm, tin tưởng của cử tri và nhân dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp cùng các cơ quan trên đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không ngừng nỗ lực, đổi mới, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội: Tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại.
Kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế;
Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về công tác của Chủ tịch nước, nghị quyết nêu rõ: Tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Đẩy mạnh xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, đặc xá và thi đua-khen thưởng.
Công tác của Chính phủ
Đối với công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị quyết yêu cầu: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với các giải pháp toàn diện, hiệu quả, mang tính đột phá, khả thi để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.
Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững; nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên.
Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm tốt công tác xây dựng pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định của hệ thống pháp luật; chú trọng công tác tổ chức thực hiện luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; quyết liệt thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương; thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công tác của TANDTC, VKSNDTC và Kiểm toán Nhà nước
Với TANDTC, VKSNDTC, nghị quyết yêu cầu các cơ quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, nghiêm minh. Tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết vụ án, vụ việc, phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; kịp thời phát hiện các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp và xâm phạm hoạt động tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại về oan, sai, các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài...
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, đủ năng lực, bản lĩnh, bảo đảm số lượng biên chế để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; các cơ quan tư pháp cần từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường các điều kiện bảo đảm để Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị quyết nêu rõ.
Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước.