Núp bóng dự án trang trại điện mặt trời: Bị xử phạt, chủ đầu tư vẫn hoàn thiện công trình

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:25, 08/04/2021

Quá thời hạn chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 5 tháng vì xây dựng công trình không có giấy phép, Tập đoàn Hoành Sơn vẫn ngang nhiên thi công và hoàn thiện các hạng mục.

Trước đó, ngày 21/9/2020, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 5102/QĐ-UBND đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vì xây dựng công trình không phép tại xã Lâm Trung Thuỷ, quy định tại: Điểm c, Khoản 5, Điều 15 của Nghị định số 149/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn bị xử phạt 30.000.000đ, đồng thời với việc nộp phạt, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn dừng thi công hạng mục công trình vi phạm và có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp các thủ tục theo đúng quy định. Quá thời hạn, nếu chưa có giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.

anh-1-1-.jpg
UBND huyện Đức Thọ ban hành quy định xử phạt Công ty Tập Đoàn Hoành Sơn

Tuy vậy, đến nay, đã hơn 130 ngày, Công ty Tập đoàn Hoành Sơn vẫn phớt lờ, ngang nhiên thi công và hoàn thiện các hạng mục và lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái công suất lớn như chưa có chuyện gì xảy ra. Và dường như, chính quyền huyện Đức Thọ cũng quên luôn quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà mình đã ban hành?!.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư Trại bò chất lượng cao tại huyện Đức Thọ, tuy nhiên khi đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì không đảm bảo về khoảng cách và các tiêu chí khác. Sau đó, doanh nghiệp xin điều chỉnh chuyển đổi công năng sang dự án Trang trại tổng hợp Trung Lễ (nay thuộc xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) để trồng cây dược liệu và chăn nuôi gà, vịt, cá...  

Tuy nhiên, lý giải về vấn đề vì sao đã quá thời hạn nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện các nội dung trong quyết định xử phạt, ông Hùng cho rằng nguyên nhân chậm trễ là do doanh nghiệp đang làm thủ tục cấp đổi lại sổ đỏ cho 9 hộ dân bị thất lạc. “Đến năm 2015, Tập đoàn Hoành Sơn đã đền bù cho 50 hộ dân, trong đó có 41 hộ đã thực hiện chuyển nhượng còn 9 hộ chưa hoàn thành thủ tục bìa đất. Việc hoàn thiện bìa đất phải có thời gian theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Hiện doanh nghiệp đang hoàn thiện lại bìa đất xong mới tiến hành làm thủ tục được”, ông Hùng chia sẻ.

Làm việc với đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Việt Anh, Phó Chánh thanh tra Sở cho biết, hiện trang trại đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, quyết định đăng kí môi trường do UBND huyện phê duyệt. Về thủ tục đất đai nhận chuyển nhượng, doanh nghiệp đã chỉnh lý đăng ký biến động, còn vướng một số hộ dân thất lạc bìa cũng đang trong quá trình thực hiện. 

Theo ông Anh, Sở sẽ tiến hành cuộc họp với các thành phần liên quan thống nhất phương án xử lý để báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. 

anh-2-1-.jpg
Dù chưa hoàn thiện các thủ tục nhưng dự án hệ thống điện mặt trời áp mái của dự án đã hòa lưới điện.

Trước đó, ngày 22/3/2021, Sở TN&MT tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng và xác định công trình đã thực hiện cơ bản việc xây nhà, áp mái điện, hệ hống đường điện, hàng rào... 

Có thể thấy rằng, mặc dù UBND huyện ĐứcThọ ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng thiếu kiên quyết xử lý cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để chủ đầu tư “chây ì”.

Điều đáng nói, trong khi sai phạm chưa được xử lý, công trình không phép này lại ngang nhiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái quy mô lớn. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương làm ngơ hay "bất lực" trước sai phạm của doanh nghiệp?.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thu Hường