Chuyển đổi số là 'chìa khóa' để tiếp cận CMCN 4.0
Kinh tế - Ngày đăng : 17:14, 06/04/2021
Tại buổi họp báo, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ rõ xu hướng chuyển đổi số không chỉ là tất yếu, mà là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay, nhiều chuyên gia mạnh mẽ lên tiếng, khẳng định cần bắt tay vào làm ngay, nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu rất nhiều so với thế giới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh, thành phố xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị; bước chuyển tất yếu, chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phong thức, lối sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và bao trùm.
Đây cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn, cũng như đột phá trong phát triển thành phố; hướng đến mục tiêu thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống.
Ông Lê Quang Nam cho biết, để triển khai chuyển đổi số thành công, Đà Nẵng đã và đang triển khai những bước bài bản: Hiện nay, Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số đã được kỳ họp BCH Đảng bộ thành phố thông qua, chuẩn bị ban hành; tiếp sau đó UBND thành phố sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số trong tháng 04/2021 và các cơ quan, địa phương sẽ ban hành Kế hoạch chi tiết; Đề án chuyển đổi số Đà Nẵng ngoài triển khai theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; còn mở rộng, bổ sung theo đặc thù phát triển của Đà Nẵng như: Có mô hình tiếp cận cho riêng Đà Nẵng, có thêm chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể; bổ sung hàng chục chỉ tiêu so với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (theo quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ),…
Liên quan đến vấn đề không chuyển đổi số, ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME nhấn mạnh nếu không chịu chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước có nguy cơ bị doanh nghiệp “cá mập” nước ngoài đè bẹp, dần chết yểu. Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng chuyển đổi số, công nghệ số chính là cách hóa giải biến nguy thành cơ, công bằng cho mọi doanh nghiệp.
“Trong quá khứ, thật khó cho các doanh nghiệp có được các công nghệ công cụ hiện đại như các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang sử dụng. Ngày hôm nay, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, IoT v.v đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một điểm lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm để chuyển đổi” – Ông Vũ Tuấn Anh nói.
Nói về nguy cơ nếu không chuyển đổi số và ngược lại, phân tích thế mạnh nhờ chuyển đổi số, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Tất cả những thiên thời thuận lợi nói trên trong thời đại 4.0 đã sẵn sàng giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể đảo ngược tình thế. Nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình, để vươn lên phát triển xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu, khẳng định nội lực mạnh mẽ”.
Trở lại Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 (VDA 2021), VDA 2021 là giải thưởng nhằm tôn vinh thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chương trình được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được VDCA tổ chức thường niên nhằm góp phần thực hiện thành công nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhiều chính sách khác của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, giải thưởng này sẽ tiếp tục phát hiện và tôn vinh những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt là những sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam) để quảng bá tới các thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, giải thưởng sẽ tiếp tục cổ vũ và khuyến khích các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi số thành công.
Về quy chế, chương trình sẽ có 4 hạng mục giải thưởng.
Hạng mục 1: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu được trao cho những cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và sở hữu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu.
Hạng mục 2: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc được trao cho những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số thành công.
Hạng mục 3: Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc được trao cho cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.
Hạng mục 4: Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng được trao cho những đơn vị, cá nhân có giải pháp chuyển đổi số phục vụ hiệu quả cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng; những sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số phục vụ người dân sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ban Tổ chức sẽ nhận hồ sơ đến hết tháng 7/2021 thông qua cổng tiếp nhận trực tuyến tại website của giải ở địa chỉ www.vda.com.vn. Sau đó, Hội đồng Sơ tuyển và Hội đồng Chung khảo sẽ lựa chọn ra những đơn vị, cá nhân xứng đáng nhất để vinh danh trong lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10/2021. Lễ trao giải sẽ được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên nhiều kênh và các nền tảng truyền thông khác.