Bỏ tiền tỷ mua… “tờ giấy lộn”?
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 08:08, 10/08/2012
Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp này. Tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn diễn biến phức tạp…
Tin công chứng… mất tiền tỷ
Thông qua người quen, bà Ngô Thị Kim C biết Nguyễn Ngọc Tâm (tự Thanh em) ngụ tại số 46/23 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp. Khi biết bà C đang có nhu cầu mua đất ở khu vực ngoại thành để mở rộng sản xuất, Tâm bảo rằng, em có lô đất ở Hóc Môn đang cần bán gấp với giá rẻ. Bà C cùng người bạn phóng xe xuống tận nơi để xem khu đất. Thấy Tâm đang ở trên khu đất đó, bà C phần nào yên tâm. Khi Tâm đưa ra bản photo chủ quyền đứng tên bà Huỳnh Thị Ngọc Lưu, bà C thắc mắc. Tâm bảo rằng, khu đất này là của y và bà Lưu mua chung và bà Lưu sẽ ra ký hợp đồng đứng bán. Khi bà C đòi xem bản chính thì Tâm bảo đang thế chấp.
Sáng 31-5-2012, bà C gặp bà Huỳnh Thị Ngọc Lưu và Tâm để thương lượng giá cả. Hai bên chốt giá khu đất 3.966m2 tọa lạc xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn với giá 1,5 tỷ đồng. Bà C đề nghị đến Phòng Công chứng số 5 Gò Vấp để ký hợp đồng. Bà Lưu và Tâm nói có quen người ở Phòng Công chứng Đất Việt nên thủ tục nhanh chóng đơn giản hơn. Bà C đồng ý.
13 giờ cùng ngày, bà C đến Phòng Công chứng Đất Việt thì đã thấy bà Lưu và một người bạn đã có mặt. Khi đến nơi, nhân viên văn phòng không hỏi bà cần gì mà chỉ yêu cầu đưa CMND và hộ khẩu rồi mang vào trong soạn văn bản. Lát sau, có một thanh niên mang giấy chủ quyền bản chính đến và Công chứng viên Vũ Thị Vĩnh liền gọi hai bên vào ký hợp đồng chuyển nhượng. Tin tưởng vào Phòng công chứng, bà C đã ký tên và lăn tay vào hợp đồng mua bán đất đã soạn sẵn. Sau đó, bà C đến Ngân hàng ACB chi nhánh Nguyễn Thái Sơn chuyển tiền cho bà Lưu và Tâm.
Hai hôm sau, bà C “khoe” với một người quen về việc mình đã mua được khu đất trên với giá 1,5 tỷ đồng thì mới biết đã bị lừa...
Nhiều lỗi trên “sổ đỏ” bị bỏ qua
Tá hỏa, bà C cầm bản chính giấy chủ quyền khu đất mới mua đến nhiều văn phòng Công chứng khác để kiểm tra tính thật giả thì công chứng viên ở các văn phòng công chứng phát hiện ngay giấy chủ quyền đó có biểu hiện giấy giả vì in quá xấu lại sai chính tả, có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm - nổi đều có điểm sai… Thậm chí, Công chứng viên Bùi Đức Cát (Phòng Công chứng số 5) khẳng định: Đây là giấy giả 100% vì giấy quá dày, nặng hơn bình thường, hình quốc huy in nhòe nhoẹt thiếu sắc nét, mộc nổi sai, các chi tiết ghi trên giấy chưa đúng. Do đó, Phòng Công chứng này đã định lập biên bản giữ giấy tờ nhằm ngăn chặn tình trạng đem giấy giả đi lừa bán đất cho người khác.
Bà C bức xúc: Ngoài giấy chủ quyền, toàn bộ các giấy tờ khác trong hồ sơ chuyển nhượng đất như hộ khẩu, CMND, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người chủ cũng đều là giả. Lúc vào ký hợp đồng, tôi có cảm giác Công chứng viên rất dễ dãi, không hỏi gì, chỉ đưa giấy ký tên và lăn tay. Do làm việc thiếu trách nhiệm nên họ không phát hiện giấy giả và vô tình tiếp tay cho bọn lừa đảo. Sau khi phát hiện giấy giả, tôi đến gặp thì Công chứng viên Vũ Thị Vĩnh thản nhiên nói: “Nếu giấy giả thì làm thủ tục hủy hợp đồng…”.
Trả lời phóng viên Báo Công lý, Công chứng viên Vũ Thị Vĩnh, Phòng Công chứng Đất Việt, người chứng hợp đồng mua bán đất trên cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu, Văn phòng có đề nghị người yêu cầu công chứng trình hồ sơ giấy tờ bằng bản photo để kiểm tra, xem xét và soạn văn bản theo yêu cầu. Sau đó, yêu cầu hai bên cung cấp bản chính giấy tờ để đối chiếu và mời hai bên đọc lại toàn bộ hợp đồng trước khi ký tên và lăn tay. Bà Vĩnh cho biết toàn bộ quy trình kiểm tra bằng mắt thường, chỉ kiểm tra xem CMND, hộ khẩu có đúng với tên người đứng chủ quyền đất không? Vào mạng của Sở Tư pháp kiểm tra thửa đất có bị ngăn chặn hay không?
Khi chúng tôi chỉ ra những lỗi chính tả rất sơ đẳng trên giấy chủ quyền như số sổ chính là G 664866 nhưng trên trang cập nhật lại ghi G 947636, phần in thì ghi “Hốc Môn” trong khi con dấu lại là “Hóc Môn” và nhiều lỗi khác… Lúc này, bà Vĩnh thừa nhận rằng, văn phòng mới thành lập nên chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với hôm đó do nhiều người đến công chứng hối thúc nên không phát hiện ra những lỗi mà phóng viên đã phát hiện. Riêng số sổ, văn phòng của bà có phát hiện được nhưng nghĩ rằng có sự nhầm lẫn của Phòng Tài nguyên môi trường.
Một giấy chủ quyền đất có quá nhiều lỗi sơ đẳng như trên, lẽ ra Công chứng viên phải kiểm tra kỹ lưỡng, có quyền nghi ngờ và phải hành xử như qui định tại khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng. Đằng này, Công chứng viên đã công chứng. Hậu quả là Huỳnh Thị Ngọc Lưu và Nguyễn Ngọc Tâm đã “ôm” 1,5 tỷ đồng của bà C “cao chạy xa bay”.
Ai phải bồi thường?
Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà C? Theo Luật sư Dương Thị Tới (Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh) việc giấy tờ giả “lọt lưới” phòng công chứng sẽ xem xét hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, nếu khi tiến hành công chứng, Công chứng viên thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật và làm hết trách nhiệm của một Công chứng viên nhưng vẫn bị “lọt lưới” thì phần trách nhiệm này thuộc về người yêu cầu công chứng theo qui định tại khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng: “Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”. Nếu người yêu cầu công chứng có hành vi sửa chữa giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 62 Luật Công chứng).
Trường hợp thứ hai, Điều 58 Luật Công chứng quy định: “Công chứng viên vi phạm quy định của Luật Công chứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Việc giải quyết hậu quả này theo quy định Điều 45 Luật Công chứng, Toà án có thể tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Văn Vũ