Nho Quan (Ninh Bình): Đẩy mạnh gắn kết tài nguyên rừng với du lịch

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:35, 01/04/2021

Nho Quan là một vùng đất cổ, có nhiều danh thắng để phát triển và khai thác du lịch. Nhằm phát triển du lịch trong địa bàn, huyện cần tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương và ưu tiên bảo tồn, gắn kết hệ sinh thái rừng nguyên sinh với hoạt động du lịch.

Vùng đất cổ giàu giá trị truyền thống

Nho Quan là một vùng đất cổ, rừng Cúc Phương là nơi phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt cổ tại đây. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân như Dương Vân Nga, quê ngoại Vua Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây có nhiều di tích, truyền thuyết gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh như di tích Đàn Tế Trời ở đồi Thờ, xã Quỳnh Lưu; đền Vua Đinh ở thôn Lão Cầu, xã Văn Phú; các đình Mỹ Hạ, đình Ngọc Nhị, đình Ngọc Ba ở xã Gia Thủy và các đình thôn Lược, đình Ngọc Mỹ thôn Me, đình Vua làng Xát, đền làng Đông Thịnh ở xã Sơn Lai đều thuộc huyện Nho Quan.

nho-quan-anh-1.jpg
Di tích lịch sử Quốc Gia Đồi Son (xã Quỳnh Lưu), nơi diễn ra trận thắng quân Nhật ngày 11/8/1945
nho-quan-anh-2.jpg
Biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường huyện Nho Quan

Vùng đất Phụng Hóa - Nho Quan xưa gắn với các truyền thuyết về thần Cao Sơn, vị thần trấn vùng núi Nam Lĩnh - Thiên Dưỡng được thờ phụng ở vùng đất này như đền Sơn thần, đền Cao Sơn... và nhiều nơi khác rước về thờ phụng trong tín ngưỡng Hoa Lư tứ trấn, sau này dân làng Kim Liên cũng rước thần Cao Sơn từ đền Láo, xã Văn Phú về thờ ở đình Kim Liên trong Thăng Long tứ trấn.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nho Quan có chiến khu Quỳnh Lưu là nơi hình thành và phát triển cách mạng Ninh Bình, ở xã Quỳnh Lưu là nơi sinh ra anh hùng Lương Văn Tụy, xã Sơn Thành là nơi sinh ra bí thư tỉnh ủy đầu tiên Đinh Tất Miễn.

Vùng núi đá phía đông nam Nho Quan thuộc các xã Sơn Hà và Sơn Lai nằm trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2014.

Nho Quan có nhiều danh thắng để phát triển và khai thác du lịch như: Động Vân Trình, động Thiên Hà, động Nham Hao, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, hang Bụt, khu du lịch hồ Thường Xung, Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Cúc Phương, Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương và đặc biệt là vườn quốc gia Cúc Phương.

Ngoài ra, miền đất này cũng có nhiều đặc sản quý được du khách thập phương yêu thích như: Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản, có thịt củ bở, màu vàng nhạt, bùi, ngọt và có mùi thơm đặc trưng; Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa, dùng gạo nứt nếp xay nấu thành cơm trộn đều với loại men đặc biệt ủ từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống; Bánh giầy bản Mường Nho Quan là món đặc sản của bà con dân tộc Mường ở bản Sau, bản Ao và bản Cả thuộc xã Kỳ Phú; Hay xôi trứng kiến là đặc sản quý hiếm của Nho Quan ai ăn rồi sẽ nhớ mãi.

nho-quan-anh-3.jpg
Rượu cần Nho Quan là loại rượu đặc sản vùng miền rất được du khách thập phương yêu thích và uống rượu cần là nét đẹp văn hóa người Mường nơi đây
nho-quan-anh-4.jpg
Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Cúc Phương

Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, vị trí địa lý có rừng nguyên sinh Quốc gia Cúc Phương, Hồ Đồng Chương, Hồ Yên Quang, Sân golf Tràng An, Công viên bảo tồn động vật hoang dã, Vùng căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu và các hang động hiện tại đã và đang kết nối trực tiếp với quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, các di tích lịch sử, văn hóa, nền ẩm thực phong phú…. Cần tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương và ưu tiên bảo tồn, gắn kết hệ sinh thái rừng nguyên sinh với hoạt động du lịch.

Đẩy mạnh gắn kết tài nguyên rừng với du lịch

Khai thác tiềm năng sẵn có của Nho Quan, cần có sự kết hợp với phát triển nông, lâm, thủy sản, các làng nghề để phục vụ du khách về nhu cầu ẩm thực, hàng lưu niệm; phát triển các tua, tuyến du lịch tham quan các di tích, các danh thắng, du lịch trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc. Từng bước đưa du lịch, dịch vụ trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.    

Theo thống kê lượt khách du lịch đến Cúc Phương giai đoạn 2015 - 2020, năm có du khách cao nhất là năm 2018, với 120.000 lượt khách. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách nội địa và quốc tế đều giảm, chỉ còn 59.000 lượt khách (đạt 55% so với năm 2019). Nhìn chung, lượng du khách đến Cúc Phương còn rất ít, so với tổng thể khách du lịch đến Ninh Bình chỉ chiếm tỷ lệ 1,4% năm 2019 và 2% năm 2020.

nho-quan-anh-5.jpg
Vườn quốc gia Cúc Phương vào mùa bướm rất thu hút khách du lịch

Trong khi đó, huyện Nho Quan nằm ở đầu mối giao thông quan trọng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, với nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nổi tiếng như: động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương, văn hóa đồng bào Mường, các sản vật địa phương...

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, phát triển du lịch tại huyện Nho Quan sẽ gắn với du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, leo núi, chơi golf; du lịch cộng đồng, nghiên cứu động vật hoang dã... Vì vậy, thời gian qua và trong tương lai, phát triển du lịch ở Nho Quan là định hướng quan trọng được tỉnh Ninh Bình chú trọng.

Do đó, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết huyện Nho Quan cần tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các phân khu hoặc khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt khu dịch vụ lưu trú, điểm tham quan. Đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn đầu tư phát triển du lịch từ quy hoạch, bố trí đất cho đến thủ tục hành chính, lao động.

Cùng với công tác quy hoạch, huyện phải đặc biệt quan tâm ưu tiên đầu tư bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương, các hang động tiền sử, xây dựng Bảo tàng Cúc Phương trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, bảo tồn, nâng cấp các di tích động Người Xưa, các cây cổ thụ; xây dựng du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đồng bào Mường; bảo tồn, nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa của đồng bào Mường...

Bên cạnh đó, huyện Nho Quan phải tận dụng lợi thế tài nguyên sẵn có để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch văn hóa gắn với chương trình nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, khuyến khích mô hình trang trại kết hợp tham quan du lịch, trải nghiệm gắn với giáo dục môi trường.

Ngoài ra, cần tích cực quảng bá các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Chủ động phối hợp với ngành du lịch để tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân làm du lịch trên địa bàn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về phát triển du lịch…

Lê Hương – Hồng Huê