Tin vắn thế giới ngày 1/4: Thượng viện Nga thông qua dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử; AstraZeneca đổi tên vaccine COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 06:50, 01/04/2021

Thượng viện Nga thông qua dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử; Cảnh sát Quốc hội Mỹ kiện ông Trump trong vụ bạo loạn ngày 6/1; AstraZeneca đổi tên vaccine COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thượng viện Nga thông qua dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử

Ngày 31/3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật về việc sửa đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ, bắt đầu từ năm 2024.

Dự luật trên đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua cách đây 1 tuần. Dự kiến, Tổng thống Putin sẽ sớm ký ban hành văn kiện này thành luật.

tong-thong-nga-putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Cảnh sát Quốc hội Mỹ kiện ông Trump trong vụ bạo loạn ngày 6/1

Hai cảnh sát Quốc hội James Blassingame và Sidney Hemby hôm 30/3 đã nộp đơn khởi kiện ông Donald Trump, với cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ đã kích động đám đông dẫn tới bạo loạn, khiến hàng chục cảnh sát Quốc hội bị thương, trong đó có một người tử vong.

Đặc phái viên Mỹ John Kerry lên kế hoạch công du UAE, Ấn Độ

Truyền thông Mỹ ngày 31/3 cho biết Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry sẽ thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ trong tuần này như một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tăng cường các cam kết về khí hậu từ các quốc gia phát thải lớn khác.

Moscow phản ứng trước quyết định của Italy trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga

Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang làm rõ những vấn đề đằng sau quyết định của Italy trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga khỏi nước này và những biện pháp đáp trả sẽ được thông báo sau.

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết nước này quyết định trục xuất 2 nhân viên của Đại sứ quán Nga vì tình nghi có hành động trái pháp luật. Đại sứ Nga tại Italy Sergey Razov cũng đã được triệu đến Bộ Ngoại giao Italy liên quan đến vụ việc. Đại sứ quán Nga tại Italy cũng đã xác nhận rằng một tùy viên quân sự đã bị bắt giữ.

Mỹ gia hạn lệnh miễn trừ các biện pháp trừng phạt Iraq

Cuối năm 2018, Mỹ đã đưa ngành năng lượng của Iran vào "danh sách đen" khi tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước CH Hồi giáo. Tuy nhiên, Mỹ đã miễn trừ tạm thời đối với Iraq với hy vọng nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào ngành năng lượng của Iran thông qua việc hợp tác với các công ty Mỹ. Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran vào cuối năm 2018, Washington tiếp tục gia hạn thời gian miễn trừ cho Baghdad nhằm tìm các nhà cung cấp khác.

Tháng 1 vừa qua, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với Iraq, và chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden cũng đã gia hạn biện pháp này thêm 4 tháng. Quyết định mới nhất được đưa ra trước thềm "cuộc đối thoại chiến lược" giữa Mỹ và Iraq, dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 7/4.

Tế bào T gần như nguyên vẹn trước các biến thể virus SARS-CoV-2

Tế bào T – thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch - được cho là có tác dụng bảo vệ cơ thể trước 3 biến thể virus SARS-CoV-2 đáng quan ngại nhất hiện nay.

Phát hiện trên được công bố trong bối cảnh một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ từ kháng thể và vaccine ngăn ngừa hiện hành.

PAHO cảnh báo làn sóng COVID-19 mới tại châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn

Ngày 31/3, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo làn sóng COVID-19 mới đang hoành hành ở khu vực châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây như đang xảy ra ở Brazil, Uruguay và Cuba, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

AstraZeneca đổi tên vaccine COVID-19

Công ty dược AstraZeneca đã đổi tên vaccine COVID-19 từ “AstraZeneca Covid-19 Vaccine” thành “Vaxzevria”. Trong thông cáo báo chí, AstraZeneca cho biết đổi tên không liên quan tới thay đổi vaccine. Cơ quan Y khoa châu Âu đã đồng ý với tên mới của AstraZeneca vào tuần trước.

Theo đài RT (Nga), động thái này diễn ra khi công ty phải vất vả trấn an dư luận rằng vaccine COVID-19 của mình là an toàn. Có nhiều người gặp phản ứng phụ như gây huyết khối chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vaccine của hãng dược này.

vaccine31321astra-doi-ten.jpg
Nhân viên y tế chuẩn bị liều vaccine AstraZeneca ở Bắc Ireland. Ảnh: Reuters

Pfizer/BioNTech khẳng định vaccine của hãng hiệu quả 100% đối với trẻ em 12-15 tuổi

Ngày 31/3, các công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức khẳng định vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi.

Tuyên bố chung của hai công ty cho biết giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng được tiến hành với 2.260 trẻ em tại Mỹ "đã chứng tỏ hiệu quả 100% và tạo kháng thể mạnh".

EU: Không có bằng chứng để hạn chế sử dụng vaccine AstraZeneca

Sau khi điều tra mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và hiện tượng hình thành huyết khối sau khi tiêm, các chuyên gia cho biết không phát hiện yếu tố nguy cơ cụ thể nào như tuổi tác, giới tính hay tiền sử bệnh lý.

Kết luận trên được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) công bố sau cuộc họp với các chuyên gia ngày 29/3 về phát hiện mới trong cuộc điều tra 62 trường hợp xuất hiện huyết khối hiếm gặp sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.

EU không đạt mục tiêu tiêm chủng trong quý 1

Theo số liệu từ Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC), Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 80% người trên 80 tuổi và nhân viên điều dưỡng vào cuối tháng Ba năm nay.

Số liệu mới nhất từ ECDC công bố hôm 31/3 cho biết có 59,8% người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên. Tỷ lệ này là 50,6% ở Bỉ và chỉ có 17,7% người dân Bỉ được tiêm chủng đầy đủ. Các tỷ lệ này ở nhân viên điều dưỡng lần lượt là 60,1% và 47%.

Hơn 50% dân số Anh có kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ONS, tính đến ngày 14/3, khoảng 55% dân số tại vùng England, 51% dân số xứ Wales, 49% người dân Bắc Ireland và 43% người dân vùng Scotland đã có kháng thể chống COVID-19. Tuy nhiên, số liệu này không bao gồm những người tại bệnh viện và cơ sở dưỡng lão.

Kháng thể chống virus SARS-CoV-2 chỉ sản sinh ở những người đã từng mắc COVID-19 hoặc đã được tiêm vaccine. Thông thường cơ thể sẽ mất từ 2 đến 3 tuần sau khi tiêm vaccine để sản sinh lượng kháng thể đủ để chống COVID-19.

Thái Lan giảm thời gian cách ly để thúc đẩy du lịch

Kể từ ngày 1/4, Thái Lan bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 đối với người nhập cảnh nhằm thúc đẩy du lịch, rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, đồng thời cho phép người được cách ly tham gia nhiều hoạt động hơn.

Yemen nhận lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên

Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 31/3 cho biết Yemen đã nhận lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, một tuần sau khi ủy ban phòng chống COVID-19 của đất nước bị chiến tranh tàn phá này cảnh báo về "tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng".

Một người bị tróc da, đỏ bầm tay chân sau tiêm vaccine Johnson & Johnson

Một người đàn ông 74 tuổi ở Virginia, Mỹ, đã bị nổi đỏ khắp người, kèm theo triệu chứng sưng tấy và tróc da nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.

Tổng thống Nga lạc quan về tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/3 cho biết tình hình kiểm soát đại dịch COVID-19 ở nước này hiện tốt hơn nhiều so với các nước khác, có thể cho phép tiến hành các hoạt động du lịch trong nội địa.

Phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Quan hệ giữa các dân tộc, Tổng thống Putin khẳng định: “Nếu tính đến những biện pháp hạn chế đi lại do dịch bệnh trong nước, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại đất nước chúng ta ở thời điểm hiện tại tốt hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác”.

Campuchia ban hành thông tư chống dịch dịp Tết Khmer

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 31/3 đã ban hành thông tư về các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát lây lan đại dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền của người Khmer sẽ diễn ra từ 14 - 16/4/2021.

Theo thông tư, nhà chức trách cần áp dụng chặt chẽ việc thực hiện các quy định phòng dịch trong quản lý giao thông vận tải cũng như mọi hoạt động đi lại. Trong khi đó, người dân Campuchia nên tổ chức lễ tiệc ở nhà, tránh đi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, tránh tham gia hội họp tôn giáo và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Các trường học ở Pháp sẽ đóng cửa từ tuần tới do COVID-19

Ngày 31/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo các trường học ở nước này sẽ đóng cửa từ tuần tới và tình trạng phong tỏa có giới hạn ở Paris cùng các vùng khác sẽ được gia hạn nhằm kiểm soát tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay.

Indonesia bắt thêm 1 nghi can trong vụ đánh bom tại nhà thờ

Biệt đội chống khủng bố Densus 88 của Indonesia ngày 31/3 đã bắt giữ một nghi can khủng bố có liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Công giáo ở thành phố Makassar của tỉnh South Sulawesi.

Nghi can nổ súng tại đồn cảnh sát Indonesia bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan của IS

Theo kết quả điều tra sơ bộ vụ nổ súng tại trụ sở Cảnh sát quốc gia ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 31/3, cảnh sát nước này xác định nữ nghi can bị bắn chết tại hiện trường là một người bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Nổ tại Afghanistan khiến ít nhất 2 người tử vong

Ít nhất 2 người thiệt mạng và 16 người bị thương trong một vụ nổ làm rung chuyển huyện Balkh ở tỉnh cùng tên thuộc miền Bắc Afghanistan ngày 31/3.

Hiện cơ quan chức năng Afghanistan đang điều tra vụ việc. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng thừa nhận gây ra vụ nổ này.

Nổ súng tại trụ sở cảnh sát quốc gia Indonesia

Truyền thông địa phương đưa tin tại trụ sở cảnh sát quốc gia Indonesia đã có tiếng súng nổ. Kênh TV One cho biết một người tử vong tại hiện trường.

Hiện vẫn chưa rõ cả hai phát súng do kẻ tấn công gây ra hay do cảnh sát bắn trả. Cảnh sát đã dựng rào chắn và phong tỏa khu vực. Chưa có thông tin chi tiết về danh tính của kẻ nổ súng.

Bạch Dương