Nhìn lại Đại án “đánh bạc nghìn tỷ đồng” sau 3 năm xét xử

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 14:15, 28/03/2021

Gần 3 năm đã trôi qua kể từ phiên toà lịch sử xét xử đại án đánh bạc hàng chục nghìn tỷ đồng, liên quan tới các cựu quan chức Bộ Công an, nhưng nữ Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thuỳ Hương vẫn còn đó những ấn tượng sâu sắc khó phai.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong xét xử vụ án lớn về tội phạm chức vụ.

c-huong-moi(1).jpeg
Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỳ Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ

Đại án có quy mô xuyên quốc gia

Được sự tín nhiệm và tin tưởng của lãnh đạo TAND, năm 2018 tôi được phân công chủ tọa vụ án Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm bị xét xử về 06 tội danh, gồm: “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”,...

Đây là vụ án lớn, quy mô rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, có liên quan đến một số quốc gia. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi, công nghệ cao để phạm tội nhằm che dấu sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Thời gian điều tra vụ án là 1 năm, số lượng Điều tra viên 120 người và số Kiểm sát viên tham gia kiểm sát điều tra là 4 người. Kết quả làm rõ có 25 đại lý cấp 1; 5.877 đại lý cấp 2 thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc; 42.955.718 tài khoản của các cá nhân tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc; có hơn 42 triệu tài khoản mở tại 33 ngân hàng trong toàn quốc, mỗi cá nhân dùng 2-6 tài khoản; bình quân có khoảng 25-30 triệu người Việt Nam tham gia đánh bạc trên mạng Internet (chưa kể số lượng người đánh bạc dưới các hình thức khác không liên quan trong vụ án này).

Thành phần tham gia đánh bạc đa dạng, như cán bộ, đảng viên, giáo viên, … liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Đây là vấn đề cần được đặt ra để các cơ quan chức năng có trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa. Số tiền thu lời bất chính chứng minh được là 9.853 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 7/2020 thu hồi được 1.900 tỷ.

Tại giai đoạn 1 xét xử, số lượng người tham gia tố tụng lên tới hơn 300 người. Trong đó có 92 bị cáo; 33 người bào chữa… đặc biệt có 2 bị cáo là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi phạm tội đang giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Vụ án thu hút đông đảo các cơ quan thông tin, truyền thông đến đưa tin, sự theo dõi quan tâm đặc biệt của quần chúng nhân dân.

2 tấn hồ sơ và cuộc đấu tranh với tội phạm là tướng Công an

Vấn đề khó khăn không chỉ với số lượng hồ sơ khổng lồ (khoảng 2 tấn) mà vụ án liên quan đến công nghệ, đến các tướng lĩnh trong ngành bảo vệ pháp luật-những người đã từng trực tiếp chỉ đạo phòng chống tội phạm, điều tra nhiều đại án; nhiều bị cáo có mối quan hệ nhạy cảm, có trình độ rất cao về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin… Nhiều tài liệu thu thập được tại các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và các Tổng cục khác của Bộ Công an… có liên quan đến vụ án; trong đó có những tài liệu có giá trị chứng cứ nhưng hầu hết các tài liệu này là tài liệu “Mật” không thể công khai.

Một trong những vấn đề khó khăn phức tạp nữa là toàn bộ hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc, hoạt động thanh toán, chuyển tiền thua, thắng bạc đều qua hệ thống mạng, qua máy chủ được kết nối qua các đường truyền của hệ thống nhà mạng và qua hệ thống ngân hàng trên phạm vi toàn quốc.

c-huong-phu-tho-2.jpeg
Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỳ Hương, chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ 

Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử hết sức khó khăn, đòi hỏi các thành viên Hội đồng xét xử phải học hỏi nghiên cứu về công nghệ thông tin, cơ chế vận hành game bài, nguyên tắc hoạt động của cổng trung gian thanh toán, cách thức đánh bạc trực tuyến, cách thức đổi đồng tiền ảo Rik… Từ đó hiểu rõ nhất bản chất tội phạm để có sự phân hóa rõ vị trí, vai trò của từng bị cáo.

Bên cạnh đó phải tiên lượng các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa để xác định những vấn đề cốt lõi của vụ án, nên ngay từ giai đoạn điều tra, Tòa án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh để sao chụp, Scan tất cả các tài liệu đã được sàng lọc làm chứng cứ buộc tội để tích hợp vào máy tính xách tay và sắp xếp theo từng nhóm bị cáo, từng loại tội danh tương ứng và được số hoá, mã hoá theo quy ước định sẵn, phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa xét xử vụ án nêu trên, Hội đồng xét xử đã thực hiện triệt để nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, đây là nguyên tắc quan trọng giúp cho việc xét xử toàn diện khách quan, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Quá trình xét hỏi, tranh luận được thực hiện khách quan, minh bạch, công bằng, không bỏ sót bất kỳ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào. Qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề và sự thật khách quan có liên quan đến vụ án. Phán quyết của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, không bó hẹp trong phạm vi Cáo trạng truy tố và được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bài toán tranh tụng dành cho 92 bị cáo

Một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình giải quyết vụ án phải kể đến công tác tổ chức, chuẩn bị phiên tòa. Yêu cầu đặt ra là cần chủ động lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có năng lực chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng để phối hợp cùng Điều tra viên và Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cần có các phương án tổ chức phiên tòa, phân công nhiệm vụ, công việc hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình xét xử, không ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

c-huong-phu-tho-3.jpeg
Toàn cảnh phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ

Thứ hai, về phương pháp tranh tụng, vụ án có 92 bị cáo cùng gần 40 người bào chữa tham gia nên cần tạo điều kiện tốt nhất để các bên thực hiện quyền tranh tụng. Việc tranh tụng thực hiện theo phương pháp “cuốn chiếu”, sắp xếp thứ tự hỏi các bị cáo theo từng nhóm tội, từng bị cáo cùng người bào chữa được thực hiện tranh luận sau đó đại diện Viện kiểm sát đối đáp.

Kết thúc phần tranh luận của bị cáo này mới chuyển sang phần tranh luận của bị cáo khác. Phương pháp thẩm vấn, tranh luận “cuốn chiếu” phát huy hiệu quả rõ rệt đối với vụ án có đặc thù là số lượng bị cáo lớn, phạm nhiều tội danh khác nhau.

Thứ ba, việc áp dụng công nghệ thông tin. Vụ án có hàng trăm nghìn bút lục, việc tìm kiếm công khai bút lục đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ hồ sơ, sắp xếp khoa học, có dự đoán để ứng phó kịp thời các diễn biến phiên tòa. Thực hiện triệt để tinh thần cải cách tư pháp, Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phối hợp lắp đặt 02 màn hình lớn để chiếu các tài liệu, chứng cứ được yêu cầu.

Việc áp dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả, giúp những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa cùng các phóng viên báo chí có thể đưa tin một cách trung thực, phản ánh sự thật khách quan của vụ án. Tại phần xét hỏi có một số bị cáo đã không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, sau khi trình chiếu các tài liệu, chứng cứ lên màn hình. Kết quả: 92 bị cáo đều nhận thức được những lỗi lầm, hành vi phạm tội của mình, xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân và hứa sau khi cải tạo sẽ trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội

Thứ tư, thành công của phiên tòa là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng. Việc phối nhằm mục đích giúp Thẩm phán có điều kiện nắm vững hồ sơ và hiểu được bản chất hành vi phạm tội của bị cáo, mỗi cơ quan sẽ làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời giải quyết vụ án kịp thời, đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”.

Thứ năm, về áp dụng thẩm quyền kiến nghị trong bản án hình sự, HĐXX thấy rằng còn nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi phạm tội của các bị cáo, nên cùng với việc ra bản án đã kiến nghị áp dụng biện pháp cần thiết để khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Mạnh Hùng