TAND TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam toạ đàm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 17:01, 27/03/2021
Đến dự toạ đàm có ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng lãnh đạo các tòa chuyên trách, tòa án quận huyện thuộc TAND hai cấp TP Hồ Chí Minh, Cục thi hành án dân sự và đại diện các tổ chức tín dụng tại TP Hồ Chí Minh.
Người có nghĩa vụ trả nợ cố tình tạo ra tình tiết mới để kéo dài vụ án
Tại buổi tọa đàm, ông Phan Tấn Trung, Phó Chánh Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Trên phạm vi cả nước, lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/12/2020, toàn hệ thống đã xử lý được 331,87 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 421, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) chiếm tỷ trọng khoảng 53 % tổng nợ xấu đã xử lý, xử lý nợ xấu ngoại bảng khoảng 47% tổng nợ xấu đã xử lý. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2020 đạt trung bình khoảng 8,09 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,57 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
Qua quá trình thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 42 vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo TSBĐ (Điều 7 Nghị quyết số 42): Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định một trong các điều kiện để thu giữ TSBĐ. Tuy nhiên, hiện Toà án, cơ quan THADS không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ (Điều 8 Nghị quyết số 42), Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Toà án rất hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng trên là theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Nhiều ngân hàng thẩm định tại chỗ tài sản quá sơ sài
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 15/8/2017 (Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực) đến ngày 28/02/2021, TAND hai cấp Tp. Hồ Chí Minh đã thụ lý 12.333 vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã giải quyết 9.897 vụ việc, còn 2.361 vụ việc chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 80,25%.
TAND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc, thống nhất, đúng pháp luật, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: nhiều vụ án có thời gian giải quyết kéo dài vì tính chất phức tạp, nhiều đương sự tham gia hoặc đương sự ở nước ngoài phải ủy thác tư pháp, hoặc đương sự không hợp tác với Tòa án; Vẫn còn một số vụ án bị hủy, sửa nhất là liên quan đến vấn đề giao dịch bảo đảm hoặc có những hồ sơ tín dụng bảo đảm ngay từ đầu không được chặt chẽ, thậm chí là không thực hiện đúng quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm, vẫn còn một số hồ sơ đơn khởi kiện chưa đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc ủy quyền chưa hợp lệ, người vay hoặc bảo lãnh đã bỏ địa phương đi dâu không rõ…
Một số hồ sơ tín dụng có nhiều đương sự cư trú tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Đương sự ở nước ngoài, có địa chỉ không rõ dẫn đến tống đạt, ủy thác tư pháp gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp không có cơ sở để xác định họ không biết được việc Tòa án niêm yết tống đạt thì theo quy định pháp luật Tòa án phải tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng từ chối không nộp chi phí phí ủy thác tư pháp, chi phí đăng báo dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn.
Tòa án khi tiến hành thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ đối với bất động sản, khi thế chấp tài sản Ngân hàng chỉ nhận thế chấp và xem xét tài sản dựa trên giấy tờ hiện có, không xem xét thực tế dẫn đến quá trình thẩm định tại chỗ phần diện tích thực tế có chênh lệch hoặc hiện trạng thực tế tài sản tại thời điểm giải quyết tranh chấp khác nhiều so với hiện trạng tài sản khi thế chấp (trên giấy tờ).
Ngân hàng cần hỗ trợ Tòa án trong việc thu thập xác minh
Bà Dung đề nghị, các tổ chức tín dụng cần có quy định chặt chẽ trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp. Lãnh đạo của các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh thực hiện chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo tính khả thi trên thực tế, phát huy vai trò đầu mối phối hợp trong công tác tổng hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm tham gia của cán bộ các giai đoạn tố tụng, giai đoạn Thi hành án dân sự. Đối với những hồ sơ cần ủy thác tư pháp, tổ chức tín dụng cần hỗ trợ Tòa án trong việc thu thập xác minh người liên quan.
Về phía Tòa án, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán khi giải quyết vụ việc; Cần xây dựng Trung tâm dữ liệu thông tin về bất động sản trên toàn quốc để cho các tổ chức tín dụng, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thuận tiện tra cứu trong việc xử lý vụ việc.
Thẩm phán Quách Hữu Thái, Chánh án TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, khó khăn lớn nhất của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến ngân hàng là hầu hết các ngân hàng đều khởi kiện tại Tòa án mà ngân hàng đặt trụ sở nhưng tài sản đảm bảo thường ở địa phương khác, khó khăn cho việc xác minh, thu thập chứng cứ, tòa ủy thác không có kết quả, các đương sự thường né tránh không đến tòa theo giấy triệu tập.
Mặt khác, nhiều ngân hàng thực hiện thủ tục thẩm định tài sản đảm bảo quá sơ sài, bỏ qua nhiều tài sản có trên đất, thậm chí có những tài sản hình thành không có giấy phép sau khi ngân hàng thẩm định. Khi giải quyết những vụ án như thế này tòa án sẽ làm văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét tính hợp pháp của những tài sản đó, có được phép tồn tại không thì tòa án mới giải quyết được. Nhiều ngân hàng nhận thế chấp cả quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai, đây là giao dịch không đúng pháp luật. Ông Thái đề nghị, các TCTD khi xảy ra tranh chấp nên khởi kiện tại Tòa án nơi có tài sản đảm bảo để việc giải quyết vụ án của tòa án được nhanh chóng, hiệu quả hơn.