Dự án sân golf Như Thanh (Thanh Hóa): Nhà nghèo chơi sang?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012

Chuyện huyện nghèo bán sơn địa Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa vẫn “chịu chơi” xin làm sân golf khiến nhiều người không khỏi giật mình. Nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng không ít người bảo vệ, quyết định đang đợi Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, những người dân chịu ảnh hưởng của dự án đang phải “méo mặt” do cách làm “cầm đèn chạy trước ôtô” của lãnh đạo huyện v

Dự án rất quy mô

Ngày19-5-2011, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin bổ sung quy hoạch sân golfViệt Nam đến năm 2020 và chủ trương đầu tư sân golf Hải Long trên cơ sở nâng cấp 5 sân tập golf đã được phê duyệt tại Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn vườn Quốc gia Bến En. Khu B của dự án này là Trung tâm huấn luyện thể thao thuộc xã Hải Long bao gồm 5 sân tập golf có thể kết hợp với nhau thành sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế 27 lỗ. Việc xây dựng sân golf Hải Long sẽ đảm bảo phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước. Đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu Nam Thanh Bắc Nghệ và tuyến đường giao thông huyết mạch. Sân golf Hải Long sẽ đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai vùng đồi núi trung du miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của huyện Như Thanh và cả tỉnh Thanh Hóa. Việc phát triển sân golf sẽ thu hút được đầu tư, kết hợp các hạng mục dự án khác thành khu nghỉ dưỡng có đẳng cấp quốc tế…

Sân golf Hải Long có hàng chục hạng mục phụ trợ, tổng số vốn đầu tư là 321,28 tỷ đồng. Mỗi hạng mục được tô điểm bằng những ngôn từ mượt mà, bóng bẩy tựa như người đọc đang lạc vào một thế giới huyền ảo nào đó. Trong tờ trình, lãnh đạo huyện Như Thanh nhấn mạnh tới mục tiêu, điều kiện hình thành và tiêu chí xây dựng. Từ đó khẳng định Dự án xây dựng sân golf Hải Long hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Nhà văn hóa thôn thành điểm tập kết máy móc của chủ đầu tư

Đây là một viễn cảnh rất tươi đẹp đối với những ai thích mơ mộng. Tương lai màu hồng đó giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, người nông dân chân lấm tay bùn sẽ trở thành công nhân “ăn sung mặc sướng”, đi làm nhàn hơn đi chơi!?

Nhưng, để thực hiện dự án sân golf sẽ phải lấy đi gần 140ha đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc cả trăm hộ nông dân mất đất sản xuất, hàng nghìn nhân khẩu sẽ không biết làm gì để mưu sinh.

Chưa có quyết định phê duyệt của Thủ tướng

Dù chưa có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng huyện Như Thanh vẫn cấm các hộ dân vùng ảnh hưởng xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa, không được trồng các loại cây lâu năm, hạn chế trồng cây hàng năm. Điều này khiến người dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, buộc phải sống chung với nhà dột, nát và làm ăn cầm chừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phụng Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Chủ đầu tư đang thực hiện rất nhiều hạng mục đầu tư, trong đó đang tập trung vào dự án sân golf. Tổng diện tích 170ha (33ha là đường giao thông, các công trình phụ trợ), huyện đã phối hợp với Công ty tiến hành kiểm kê tài sản, đất đai trên thực địa, có 95 hộ dân bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đang nỗ lực cùng với chủ đầu tư tiến hành các thủ tục thỏa thuận đền bù cho các hộ dân. Vì người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án nên chúng tôi buộc phải thông báo tạm ngừng xây mới, cơi nới, sửa chữa nhà cửa, công trình phụ. Khi thỏa thuận được về giá sẽ thông báo người dân ngừng sản xuất để tránh thiệt hại...

Trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, việc đầu tư sân golf có phải là lựa chọn khôn ngoan? Câu hỏi này xin gửi tới UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Phương

congly.com.vn