Cần giám sát chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng chính sách

Chính trị - Ngày đăng : 13:06, 26/03/2021

Những nguy cơ tham nhũng từ xây dựng chính sách có thể xảy ra cần có biện pháp ngăn chặn; yêu cầu đặt ra về tính liêm chính trong xây dựng chính sách…

Là những nội dung đáng chú ý mà các đại biểu đề cập đến tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội sáng nay 26/3.

Liêm chính trong xây dựng chính sách là tối cần thiết

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bắt đầu phần thảo luận bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về tính liêm trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật.

mai-bo.jpg
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ- Anh Giang

Đại biểu cho rằng, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi cho xã hội và là một trong những nguyên tắc để mỗi con người trở thành tốt hơn cho xã hội.

Liêm chính trong xây dựng pháp luật là tối cần thiết, vì pháp luật điều chỉnh chung và thúc đẩy các quan hệ xã hội lành mạnh, không phải công cụ thể hiện lợi ích của một nhóm lợi ích hay của cơ quan tổ chức được giao xây dựng.

Bởi lẽ, nếu liêm chính sẽ xây dựng được văn bản pháp luật khách quan toàn diện, giúp cho các quan hệ pháp luật không bị chồng chéo, bất cập khi triển khai áp dụng trong thực tiễn.

Đồng thời không quy định lợi ích của bộ ngành được giao xây dựng luật. Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều khuyết tật: mâu thuẫn với các văn bản pháp luật đã ban hành; dễ xung đột lợi ích của ngành được giao xây dựng luật với lợi ích của nhân dân và vòng đời của các văn bản đó ngắn, nhà nước phải tốn thời gian kinh phí ban hành và sửa chữa.

Nhiệm kỳ XIV đa số soạn thảo xây dựng pháp luật đều đảm bảo liêm chính; rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những hạn chế nêu trên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định: Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo công bằng, chất lượng công khai minh bạch và không có hiện tượng tham nhũng chính sách. Tuy nhiên nếu đặt các luật trong mối quan hệ thực thi pháp luật, nếu không có sự giám sát chặt chẽ rất có nguy cơ tham nhũng chính sách có hệ thống.

Ví dụ các quỹ tài chính ngoài ngân sách, qua giám sát có hơn 40 quỹ ngoài ngân sách, trong đó có nhiều loại quỹ gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Điều băn khoăn là trong 72 đạo luật có đến ¼ các đạo luật có đề xuất thành lập các quỹ ngoài ngân sách.

Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách là lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đấu giá… liên quan đến các dự án có ưu đãi trong thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Chính vì vậy, theo đại biểu, nhiệm kỳ tới đây Quốc hội khi xây dựng chính sách cần quan tâm đến vấn đề: Phân tích tác động chính sách khi thông qua luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp- đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách đó; nâng cao hoạt động thẩm tra dự án luật; đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, kiên quyết xử lý hành vi thông đồng cài cắm lợi ích vào chính sách đó; sớm hoàn tất quy trình Chính phủ số để người dân có thể thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng luật.

lau-mai.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại hội trường

Giúp minh bạch hơn trong hoạt động của các ngành

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) đánh giá, nhiệm kỳ qua, Quốc hội làm được nhiều việc rất lớn, luôn lắng nghe, đổi mới nỗ lực để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Qua giám sát của Quốc hội  thúc đẩy công khai minh bạch hơn hoạt động tư pháp. Nhiều nhiệm kỳ trước đây, báo cáo của các cơ quan tư pháp đều đóng dấu mật. Như vậy rất khó cho các ủy ban thẩm tra và khó cho đại biểu khi phát biểu tại hội trường. Nhất là khi đánh giá chi tiết về vấn đề cụ thể và người dân cũng khó để tiếp cận được với các cơ quan tư pháp.

Nhưng 3 năm trở lại đây đã bỏ dấu mật. Thậm chí nhiệm kỳ này Quốc hội đã tổ chức một buổi thảo luật tại hội trường về công tác tư pháp có truyền hình trực tiếp để cứ tri và nhân dân theo dõi, đại biểu cho biết.

nguyen-thuy(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Cạn

Với đổi mới đó, cử tri và nhân dân có được thông tin đầy đủ và đánh giá khách quan về hoạt động tư pháp cũng như chia sẻ những khó khăn với ngành. Công khai minh bạch cũng đã đặt ra yêu cầu với các đại biểu phải hoạt động chất lượng hơn. Đặc biệt đã tạo ra áp lực với các cơ quan tư pháp phải luôn phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cao hơn và chặt chẽ hơn cho các cơ quan tư pháp. Lần đầu tiên Quốc hội khóa XIII đã ban hành nghị quyết về hoạt động tư pháp và các chỉ tiêu hoạt động.

Sau một nhiệm kỳ đến nay Quốc hội đã tiến hành sửa nghị quyết theo hướng: Đã tích hợp tất cả và một nghị quyết chung và giao chỉ tiêu cao hơn trong các lĩnh vực hoạt động; Đưa ra những định lượng cụ thể.

Với số lượng án tăng mạnh trước tình hình biên chế phải giảm so với các yêu cầu chung, đây là áp lực rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Quá trình giao chỉ tiêu tăng hơn thì Quốc hội cũng đã thảo luận kỹ lưỡng các mặt để bảo đảm điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu.

Mai Thoa