Phân chia đạo đức

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:47, 24/03/2021

Việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận bởi những ý kiến thiếu đồng thuận.
phan-loai-dao-duc.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Intenet

Việc đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí càng cụ thể làm căn cứ xét duyệt bổ nhiệm, xếp lương viên chức hay bình xét trong thi đua khen thưởng là điều cần thiết, góp phần đảm bảo tính khách quan công bằng cho các cá nhân tập thể trong từng cấp, ngành.

Tuy nhiên, việc đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cần sát thực, hợp lý với từng đối tượng trong từng trường hợp cụ thể, nếu không sẽ phản tác dụng, gây nên những phản ứng dư luận không đáng có.

Theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập, có 3 hạng giáo viên theo thứ tự từ thấp đến cao là III, II, I. Tương ứng với đó, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp cũng khác nhau.

Cụ thể, với giáo viên hạng III, Thông tư đưa ra các quy định như chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử... Với giáo viên hạng II, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên THCS hạng III, giáo viên THCS hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo... Với giáo viên hạng I có thêm tiêu chí phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Xưa nay vốn có chuyện xếp loại hạnh kiểm loại Tốt, Khá, Trung bình và Yếu cho các em học sinh, sinh viên các cấp học, hay đối các em học sinh mầm non thì cũng có Phiếu bé ngoan. Cách xếp loại này vừa nhằm quản lý, đánh giá xếp loại qua trình phấn đấu một cách công bằng của từng em, vừa khuyến khích các em không ngừng rèn luận, phấn đấu để hoàn thiện.

Công chức cũng có cấp, bậc, hạn ngạch để phân chuyên môn và xếp lương; thợ thuyền cũng có bậc nghề để phân cao thấp trả tiền. Tuy nhiên, liên quan đến phạm trù đạo đức thì khác.

Đạo đức là hệ thống quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

Đạo đức quy định thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân cũng như đối với người khác và xã hội. Vì thế đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lí tưởng mỗi người.

Có ý kiến từ cơ quan chuyên môn cho rằng, ở đây không phải là đạo đức xếp thành ba hạng 1, 2, 3 mà là đạo đức nghề nghiệp và cần phân biệt đạo đức nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo nói chung được quy định trong Luật. Đạo đức nghề nghiệp nêu rõ trách nhiệm chính của giáo viên đối với học sinh và xác định vai trò của họ đối với việc học tập, rèn luyện của học sinh...

Tuy nhiên, Dạy học vốn là một nghề mang tính mô phạm, được xã hội tôn vinh là một nghề cao quý với sứ mệnh là “trồng người”. Trong đời một người, bên cạnh công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ thì thày cô giống như cha mẹ thứ hai. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, mỗi người sinh ra được ví như tờ giấy trắng và thày, cô chính là những người đặt bút lên những tờ giấy trắng đó, rèn luyện, bồi dưỡng cho chúng ta trở thành người có tri thức và đạo đức. Vì lẽ đó, người xưa có câu “Một chữ cũng là thày” để nói lên sự cung kính, tôn trọng và không thể thay thế.

Hai tiếng thày, cô vốn đã rất thiêng liêng với một đứa trẻ lên 3 mà chỉ ngay sau lần đầu tiên đi học, chúng đã cũng có thể nói với bố mẹ chúng “cô giáo con bảo” như một thước đo, chuẩn mực mà đến bố mẹ đôi khi cũng không thể vượt qua.

Cũng chính điều này mà nghiễm nhiên mọi tư duy, hành vi ứng xử của các thày cô đã được coi là một chuẩn mực trong xã hội. Thầy có thể không giỏi nhất về mặt kiến thức nhưng nhất thiết phải mẫu mực về mặt đạo đức.

Do đó, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như thông tư mới là không phù hợp và không cần thiết. Mọi giáo viên phải có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói riêng và đạo đức nhà giáo nói chung, dù giáo viên đó ở hạng nào, già hay trẻ, trường công hay trường tư, thành thị hay nông thôn.

Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, càng không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại. Điều này có thể gây ra những tổn thương không đáng có đối với nhà giáo.

Khi phân loại đạo đức, vô hình chúng ta đã xếp các thày cô thành những nhóm khác nhau và nhà giáo đạo đức xếp hạng II, hạng III vô hình được hiểu như "chưa đạt chuẩn" còn phải phấn đấu lên hạng I.

Học sinh đến trường để rèn luyện phấn đấu và những người thày sẽ là người dạy dỗ, đánh giá xếp loại; từ đó tiếp tục bồi dưỡng các con ngày càng tiến bộ lên. Thế nhưng giờ đây thày, cô có đạo đức nghề nghiệp hạng II, III thì thì làm sao đủ tự tin trước học sinh có hạnh kiểm tốt? Thật khó để hình dung một cô giáo đạo đức xếp “hạng III” đứng trước một câu học sinh có hạnh kiểm “đồng hạng” thì nên ứng xử như thế nào. Vị thế của thày và trò có còn xác lập là người dạy và người học không? Đấy là con chưa nói chuyện phụ huynh có còn yên tâm gửi gắm con em mình cho những thày, cô đạo đức xếp “hạng III” không?

Mọi đổi thay cũng đều nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học. Điều này không phải các nhà quản lý bận tâm, mà cả xã hội sốt sắng. Tuy nhiên, làm đúng, làm trúng, thiết thực và hiệu quả là điều các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT vẫn lần nữa cần lưu tâm. Nếu không sẽ không tránh khỏi tiền lệ, cứ mỗi lần Bộ ban hành một chủ trương hay chính sách nào đó thì lại là mỗi lần dư luận xã hội dậy sóng.

Chính Tâm