Vụ tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu ở Cảng Đà Nẵng: Có dấu hiệu Hải quan “hành” doanh nghiệp

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012

Hơn 500m3 gỗ nhập khẩu từ Lào và đã được 4 đơn vị Hải quan cho thông quan nhưng bất ngờ bị Tổng cục Hải quan (TCHQ) chỉ đạo dừng lại, tạm giữ. Hơn 2 tháng hàng hoá nằm tại cảng với chi phí lớn và đặc biệt là những bất cập trong quá trình xử lý đã đẩy vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài để Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo.

Hành trình “trôi nổi” của lô hàng

Ngày 5-12-2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Hướng Hoá, Quảng Trị) ký hợp đồng với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào mua 535,8m3 gỗ trắc Cam bốt tròn, xẻ các loại có cả gốc, cành, ngọn tận dụng. Hai bên thỏa thuận phương thức giao hàng DAL Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (bên bán chịu trách nhiệm pháp lý về lô hàng và chuyển giao hàng tại cửa khẩu Lao Bảo cho bên mua). Ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng đến Hải quan(HQ) cửa khẩu Lao Bảo nhận hàng và mở tờ khai nhập khẩu. Căn cứ Luật Thương mại và Nghị định 12/2006/NĐ-CP, xét thấy lô hàng này không thuộc hàng cấm xuất, nhập khẩu, không phải chịu thuế nên sau khi làm đầy đủ thủ tục theo quy định, Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho thông quan. Ngay sau đó, lô hàng này không dỡ xuống mà được Công ty Ngọc Hưng bán cho đối tác nước ngoài. Sau khi hoàn thành thủ tục, Chi Cục Hải Quan Cửa Việt (Quảng Trị) tiến hành kẹp chì niêm phong và cho thông quan xuất đi. Lô hàng được vận chuyển đến Cảng Đà Nẵng để chuyển đi bằng đường biển. Tại đây, Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng đã cho thông quan và hàng được xếp xuống tàu.

Các quyết định của cơ quan Hải quan và chỉ đạo của Chính phủ


Nhưng sau khi 16/21 container hàng đã xếp xuống tàu thì bất ngờ bị cẩu ngược lên cảng vì TCHQ có công văn chỉ đạo. Đến ngày 20-1-2012, Chi cục HQ Cảng Đà Nẵng (HQCĐN) ban hành quyết định tạm giữ lô hàng trong 45 ngày. Hết hạn tạm giữ, ngày 9-3-2012 Chi cục HQCĐN có Công văn số 217/HQCĐN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo ngành HQ với nội dung “Chi cục sẽ không quyết định gia hạn tạm giữ đối với lô hàng”.


Như vậy, dù đầy đủ thủ tục và qua 4 lần được các đơn vị HQ cho thông quan nhưng hiện lô hàng trên đang bị “trôi nổi” bởi quyết định tạm giữ đã hết hạn .


Theo khẳng định của Chi cục HQ Lao Bảo thì toàn bộ gỗ được nhập khẩu theo đúng quy định hiện hành. Hàng hoá do 13 xe (có danh sách) chở từ nước Lào về cửa khẩu Lao Bảo. Cũng vậy, Hải quan Cửa Việt đã cho phép thông quan để xuất khẩu lô hàng này cũng xác định hàng hóa được xuất đi theo quy định. HQCĐN cũng đã cho thông quan. Vậy liệu lô hàng này có vi phạm pháp luật hình sự hay hành chính?


Theo quy định, chỉ cần vận chuyển trái phép từ 2m3 gỗ quý hiếm (nhóm 1) có nguồn gốc khai thác trong nước là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng khám xét, ra quyết định tạm giữ rồi trực tiếp kiểm tra, Chi cục HQCĐN xác định rằng “chưa phát hiện dấu hiệu hình sự”. Theo quan sát ở chúng tôi thì ở cửa khẩu Lao Bảo, trụ sở trạm HQ của 2 nước “sát lưng” nhau. Cho nên việc nghi ngại có một số gỗ (nghi là gỗ hương) được “cài thêm” vào lô hàng là không có cơ sở. Thực tế, khối lượng kiểm tra còn thấp hơn khối lượng trong tờ khai thì càng không có việc đưa thêm hàng “ngoài luồng” vào. Với thâm niên hơn 30 năm công tác trong ngành Kiểm lâm, ông Nguyễn Thành Kiên, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động ( Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng) cho hay, số gỗ nghi là gỗ hương có những đặc điểm của gỗ Lào. Và nếu nghi là gỗ có nguồn gốc khai thác trong nước thì phải xác định chính xác vị trí, số lượng và phải được giám định… Từ tác nghiệp của cơ quan HQ và ý kiến xác định của những người có trách nhiệm trong ngành Hải quan cho thấy, không có cơ sở xác định hành vi vi phạm hình sự của chủ lô hàng.


Ông Nguyễn Thành Kiên cho biết dù chưa kết thúc kiểm tra nhưng khối lượng cũng không thể vượt quá so với khai báo. Chi cục HQCĐN cũng xác định chỉ có khoảng 23m3 gỗ nghi là gỗ hương nên chiếm tỷ lệ rất thấp và tổng khối lượng không thừa so với khai báo. Như vậy, việc khai báo chưa đúng về chủng loại là do từ phía đối tác nước Lào vì hàng về Việt Nam không bốc xuống mà chuyển thẳng xuất bán cho nước ngoài. Theo quy định hiện hành, đối với hàng gỗ không cấm nhập, xuất khẩu, không chịu thuế, nếu phát hiện khai chưa đúng thì HQ chỉ cần yêu cầu chủ hàng khai lại.


Như vậy xét cả về hình sự và hành chính, việc tạm giữ lô hàng là thật sự khó hiểu.


Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Đình Dũng cho hay, sau khi biết sự việc, để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Hiệp hội đã kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo và được chấp thuận. Ngày 2-3-2012, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1276/VPCP-KNTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cho Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT “ kiểm tra việc tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng tại Chi Cục HQCĐN, khẩn trương có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-3-2012”. Ông Dũng cho biết, sau khi đi kiểm tra thực tế tại các Chi cục HQ Lao Bảo, Cửa Việt, Cảng Đà Nẵng và làm việc với Kiểm lâm Đà Nẵng, Hiệp hội thấy rằng việc nhập, xuất khẩu lô hàng nói trên của doanh nghiệp là đúng pháp luật.


Chờ câu trả lời từ Cục Điều tra chống buôn lậu


Theo báo cáo của Chi cục trưởng HQCĐN Đỗ Danh Thắng thì đơn vị ông đã cho thông quan. Còn việc dừng thông quan, khám xét và quyết định tạm giữ hàng, kiểm tra hàng… đều do Cục Điều tra chống buôn lậu(ĐTCBL) chỉ đạo. Điều này được thể hiện rõ ngay tại quyết định tạm giữ đã ghi lý do là để thực hiện nội dung chỉ đạo của TCHQ tại Công văn số 07/TCHQ-ĐTCBL. Thực tế, vào thời điểm tạm giữ, chưa có kết quả giám định và không có chứng thư của cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, không có biên bản tạm giữ(!?).


Khi hết thời gian tạm giữ, Cục ĐTCBL liên tục có văn bản chỉ đạo Chi cục HQCĐN ban hành quyết định kéo dài thời gian tạm giữ trong khi vẫn chưa có chứng thư hay văn bản nào xác định gỗ không phải nguồn gốc tại Lào. Như vậy, chỉ đạo đó có trên cơ sở pháp luật hay là sự áp đặt? Thực tế thì đến lúc này Chi cục HQCĐN đã không chấp hành, không gia hạn tạm giữ và phải báo cáo “vượt cấp”. Động thái này cho thấy chính trong ngành HQ đã không có sự thống nhất. Không chỉ như vậy, chính quan điểm, cách nhìn nhận của những người có thẩm quyền của ngành HQ trong vụ việc này đã mâu thuẫn nhau thể hiện rõ qua 4 lần HQ cho thông quan và rồi chính HQ lại tạm giữ.


Quá trình kiểm tra hàng, theo phản ánh của Công ty Ngọc Hưng và xác nhận của chính những người tham gia thì có nhiều uẩn khúc. Ông Nguyễn Thành Kiên cho biết việc cơ quan kiểm lâm tham gia kiểm tra lô hàng không hề có quyết định mà chỉ được…mời. Về quá trình kiểm tra, ông Kiên cho rằng giữa HQ và kiểm lâm thiếu sự phối hợp chặt chẽ, không thống nhất cách làm nên hết thời hạn tạm giữ (ngày 8-3) nhưng các bên chưa thể thống nhất được số liệu. Điều kỳ lạ là trong đoàn kiểm tra lại có cả 2 người “lạ mặt” tham gia. Về chuyện “hi hữu” này, ông Thắng xác nhận, ông nghe nói 2 người đó là dân Bắc Ninh do Cục ĐTCBL TCHQ “nhờ” và ông rất bất bình nên đã có văn bản báo cáo sự việc này lên cấp trên.


Theo chúng tôi, phát hiện, xử lý sai phạm trong trong thương mại là việc làm cần thiết nhưng phải đúng pháp luật và không được làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Cũng vậy, trong nội bộ ngành HQ cũng cần có sự phối hợp, thống nhất, không thể có tình trạng đã 4 lần “thông” mà vẫn “tắc”. Đành rằng như ông Quý - Phó Cục trưởng Cục ĐTCBL TCHQ khẳng định với chúng tôi rằng doanh nghiệp sai thì doanh nghiệp phải chịu mà HQ sai thì HQ phải chịu. Nhưng dù thế nào thì thiệt hại hàng tỷ đồng đã nhìn thấy và còn những thứ thiệt hại vô hình nữa.

Thời hạn báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-3-2012 đã đến gần nhưng xem ra mọi chuyện vẫn im ắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và trở lại vụ việc này khi có thông tin mới từ phương án xử lý của TCHQ.

Xuân Thao

congly.com.vn