Quốc hội dành 7 ngày để làm công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 11
Chính trị - Ngày đăng : 11:13, 23/03/2021
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.
Quốc hội dành 7 ngày để kiện toàn nhân sự
Báo cáo về chương trình kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 24/3/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4/2021).
Theo ông Tuấn, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021; Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Sau đó, Quốc hội dành khoảng 07 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận về thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1); Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3.2021 và xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Một số ĐBQH bị kỷ luật là điều đáng tiếc
Tại buổi họp báo các phóng viên đề cập việc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ này của Quốc hội có nêu, nhiều đại biểu đã không xứng đáng với sự tin cậy của cử tri, phải cho thôi làm nhiệm vụ.
Quốc hội đã chủ trương tăng đại biểu chuyên trách, chuyên gia khoa học khi bầu đại biểu nhiệm kỳ mới, nhưng trong danh sách ứng viên khối Quốc hội, theo các ý kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai vừa qua của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì không thấy thấy nhiều trí thức, chuyên gia có tên tuổi mà còn có hiện tượng ưu tiên con cháu lãnh đạo, ứng viên không đủ tiêu chuẩn cũng được giới thiệu. Vậy việc này có được xem xét ở các bước tiếp theo trong quy trình bầu cử hay không?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, một số ĐBQH không hoàn thành nhiệm vụ và bị xem xét trách nhiệm, bị kỷ luật… là điều đáng tiếc.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, phải nói rằng đây là một trong những nhiệm kỳ có nhiều ĐBQH bị đưa ra xem xét trách nhiệm, có những đại biểu giữ cương vị cao trong các bộ máy của nhà nước; có Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đều bị đem ra xem xét trách nhiệm và nhận các hình thức kỷ luật xứng đáng.
Nhưng phải khẳng định trong 494 đại ĐHQH khóa XIV cho đến khi bước vào kỳ họp thứ nhất đều đúng, đủ điều kiện. Còn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đại biểu phát sinh ra những vi phạm mà thời điểm thẩm tra tư cách đại biểu chưa phát hiện ra, đây thực sự là vấn đề đáng tiếc.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã làm được rất nhiều việc, kết quả đó đã được nêu trong tổng kết của Chính phủ và trong Đại hội đảng vừa qua. Còn hiện tượng tiêu cực xảy ra đối với một số đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đối với một số lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương là điều đáng tiếc. Chính vì vậy, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sắp tới, Đảng, Quốc hội, MTTQ ngay từ đầu đã chỉ đạo công tác bầu cử sao cho thật chu đáo, đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Về ý kiến cho rằng, Quốc hội khóa XIV chú trọng vào con cháu mà không giới thiệu được nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, ông Tuấn Anh cho rằng, đại biểu chuyên trách phải có đủ các điều kiện, kinh nghiệm công tác, độ tuổi… chính vì vậy những đại biểu chuyên gia cũng xuất hiện khá nhiều. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Chính trị có văn bản 174 và Ban Tổ chức Trung ương có văn bản số 36 quy định về tiêu chuẩn ĐBQH khóa XV.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho hay, hai nhiệm kỳ Quốc hội gần đây cũng đã mở ra, tăng cường số chuyên viên, cán bộ công chức có năng lực tham gia vào các cơ quan của Quốc hội cũng như của UBTVQH. Tuy nhiên, với điều kiện số lượng đại biểu chuyên trách tăng từ 35-40% nên hiện nay vẫn đang thiếu các ĐBQH ứng cử làm đại biểu chuyên trách.
Việc có dư luận cho rằng giới thiệu bầu ĐBQH chỉ có chú ý đến con cháu nhiều hơn người ngoài, ông Tuấn Anh cho rằng, con cháu hay ai cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn và theo Luật Bầu cử Quốc hội cũng như đại biểu HĐND. Việc xem xét ý kiến kiến nghị còn 10 ngày trước kỳ họp diễn ra bầu cử, nên chúng tôi rất mong muốn sự đóng góp của cử tri và nhân dân cả nước về các ứng cử viên.
Giới thiệu bầu Thủ tướng làm Chủ tịch nước
Phóng viên đặt câu hỏi là kỳ này bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo, vậy đến tháng 7 đầu nhiệm kỳ mới có bầu lại hay không? Nếu bầu lại thì vẫn là những người đó thì có tốn thời gian để thực hiện các thủ tục không?
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một số lãnh đạo trong bộ máy nhà nước không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, do đó Quốc hội sẽ phải kiện toàn các chức danh của những người này, đảm bảo kịp thời thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công việc nhà nước.
Theo quy định của Hiến pháp, có một số chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu, thì lần này là tuyên thệ thuộc khóa XIV. Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng đương nhiên là người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Trước câu hỏi tới đây sẽ giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, vậy những người được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là ai, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, quy trình nhân sự ở Quốc hội chặt chẽ, trước hết phải miễn nhiệm chức danh của người không tiếp tục đảm nhiệm, sau đó mới bầu người được giới thiệu vào vị trí đó.
Quốc hội lần này sẽ kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh khác. Tổng cộng khoảng 25 chức danh sẽ được bầu và phê chuẩn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Đây là lần đầu tiên chúng ta bầu đương kim Thủ tướng sang Chủ tịch nước nên quy trình từng bước được tuân thủ, bài bản và chặt chẽ, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.