Câu kết đưa người xuất khẩu lao động “chui” sang Trung Quốc
Pháp đình - Ngày đăng : 18:38, 22/03/2021
Ngày 22/3, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Xên Thị Nhung (SN 1964, trú xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Trước khi trở thành “cò” đưa người đi nước ngoài lao động, Nhung từng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Trong thời gian làm việc ở Trung Quốc, Nhung quen người đồng hương tên Minh, làm cùng công ty. Cuối năm 2013, Nhung về nước nhưng người phụ nữ này vẫn giữ liên lạc với Minh.
Khoảng đầu năm 2015, Minh gọi điện cho Nhung hỏi tìm người sang Trung Quốc làm việc. Hai bên thỏa thuận Nhung tìm người, tư vấn và đưa họ ra Hà Nội thì có người của Minh đón rồi tổ chức vượt biên sang Trung Quốc để lao động.
Công việc do Minh bố trí, lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. Chi phí đi lại 6 triệu đồng, nạp trước 3 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trừ vào lương khi lao động sang Trung Quốc làm việc. Mỗi trường hợp đi Trung Quốc, Minh hứa cho Nhung 300 nghìn đồng. Sau khi nghe Minh hứa hẹn, Nhung đồng ý.
Sau đó không lâu, Nhung tình cờ gặp một số người quen biết quê ở huyện Tương Dương. Do không có công ăn việc làm ổn định, lại biết Nhung từng đi Trung Quốc nên những người này dò hỏi để tìm việc làm. Lúc này, Nhung đã trao đổi công việc, cách thức đi lại, chi phí cho các lao động như lời của Minh. Khoảng 1 tuần sau, Nhung hướng dẫn cho 4 lao động cùng bắt xe ra Hà Nội. Sau đó, các lao động được người của Minh thu tiền, rồi đón, dẫn sang Trung Quốc.
Ở bên kia biên giới, các lao động được Minh bố trí làm việc trong công ty sản xuất giày dép. 4 tháng sau, các lao động bị cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện và bắt giam khoảng 2 tháng vì cư trú bất hợp pháp.
Đến tháng 11/2015, các lao động này bị trục xuất về Việt Nam. Từ lời khai của các lao động, Xên Thị Nhung bị công an bắt giữ và bị truy tố về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Hầu tòa, bị cáo Xên Thị Nhung khai vì thiếu hiểu biết pháp luật nên đã đồng ý tìm người đưa sang Trung Quốc theo hướng dẫn của Minh. Bị cáo khai với mỗi trường hợp đưa đi thành công được Minh trả 300 nghìn đồng tiền công.
Đến tham dự phiên tòa, các lao động đã kể lại hành trình gặp, sau đó được Nhung đưa sang Trung Quốc. “Vì hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã sang Trung Quốc làm thuê. Nhưng với thân phận bất hợp pháp chúng tôi phải sống chui lủi, trốn công an nước sở tại khiến ai nấy đều mệt mỏi. Tiền lương thì chẳng đáng là bao khiến chúng tôi chán nản”, một lao động trình bày.
Việc các lao động bị công an nước sở tại bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp càng khiến họ hoảng sợ, lo lắng hơn. Một lao động đã bật khóc trình bày không ngờ việc đi nước ngoài kiếm tiền lại vất vả như vậy.
Dù vậy, tại phiên tòa, các lao động đã có lời xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bởi theo họ, hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn, trong vụ án này bị cáo chỉ hưởng lợi khoản tiền nhỏ.
HĐXX nhận định, dù không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tư vấn, đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhưng Nhung đã câu kết với Minh tư vấn, thu tiền và đưa 4 lao động sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Hành vi của Nhung là vi phạm pháp luật. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX tuyên phạt Xên Thị Nhung 18 tháng tù giam về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Đối với người đàn ông tên Minh, do chưa xác minh được địa chỉ nên cơ quan chức năng đã tách riêng thành vụ án khác, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.