Ảnh hưởng của thiên tai đến các khu vực biển Việt Nam
Môi trường - Ngày đăng : 07:00, 22/03/2021
Khu vực ven biển luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi thiên tai (báo cáo năm 2020), có khoảng 12 triệu người dân ở các tỉnh ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và hơn 35% các khu dân cư nằm dọc bờ biển đang bị xói lở; ngành du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, tuy nhiên có đến 42% các khách sạn xây dựng ở khu vực ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở.
Hàng năm, người dân sinh sống ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai như: bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, hạn hán hoặc xâm nhập mặn. Trong đó, bão và nước dâng do bão được coi là một trong các loại hình thiên tai có nguy cơ gây rủi ro cho tất cả các vùng ven biển Việt Nam.
Theo các nghiên cứu của Tổng cục KTTV cho thấy, khu vực ven biển Thanh Hóa-Quảng Trị được coi là khu vực có nguy cơ nước dâng do bão ở mức cao. Nước dâng do bão lớn nhất theo số liệu quan trắc đã ghi nhận ở Việt Nam đạt 3,4m trong bão DAN năm 1989 đổ bộ vào Quảng Trị.
Tuy nhiên, nước dâng do bão rất có thể còn lớn hơn tại những khu vực không có trạm đo mực nước mà chúng ta đã không xác định được. Nước dâng do bão sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra vào kỳ triều cường. Có thể kể đến như bão số 2 (bão WUTIP) năm 2013 đổ bộ vào Hải Phòng với cường độ cấp 8, nước dâng bão chỉ dưới 1,0m, nhưng vào lúc triều cường đã gây ngập lụt diện rộng ở khu vực ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng).
Bão số 13 (bão VAMCO) đổ bộ vào Quảng Bình-Quảng Trị tháng 11/2020 mặc dù gây nước dâng khoảng 0,6m nhưng trùng với kỳ triều cường nên đã gây ngập úng tại nhiều khu vực trũng thấp ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Hệ thống đê biển của Việt Nam, với 2/3 số km đê (khoảng 2.659 km), chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn theo quy định thì rủi ro nguy cơ nước dâng do bão đối với khu vực ven biển Việt Nam là rất lớn.
Độ cao sóng trong các đợt gió mùa mạnh phổ biến từ 2-4m ở vùng ven bờ và 3-5m ở vùng biển ngoài khơi. Sóng lớn cũng gây ảnh hưởng lớn đến công trình trên biển, công trình ven biển và sinh kế của người dân khu vực ven biển. Đợt gió mùa cường độ mạnh này 17/12/2020 đã gây sóng cao khoảng 4-5m làm tàu 01 tàu hàng (quốc tịch Panama) bị chìm ở khu vực đảo Phú Quý khiến 15 thủy thủ mất tích.
Sóng lớn trên 5m chủ yếu xuất hiện trong bão. Gần đây có thể kể đến bão số 12 (bão DAMREY) đổ bộ vào Khánh Hòa tháng 11/2017, gây sóng lớn đã làm cho 107 thương vong và ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế, đặc biệt là nghề nuôi trồng hải sản và tài sản của người dân khu vực ven biển Khánh Hòa; sóng lớn trong bão số 12 cũng làm chìm 08 tầu chở hàng trọng tải lớn ở vịnh Quy Nhơn.
Sóng lớn do hoàn lưu gió mạnh sau bão số 6 (bão LINFA, năm 2020) đã gây sóng cao từ 3-5m gây đắm tàu tại ven biển Cửa Việt làm 02 người bị chết. Bão số 13 (bão VAMCO, năm 2020) đã gây sóng lớn 8-9m ở khu vực Biển Đông, tại khu vực ven bờ, gió mạnh trong bão số 13 cũng gây sóng lớn cao tới 7m tại vùng biển khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), sóng lớn làm chìm 02 tàu cá ngoài khơi Khánh Hòa, 23 người trên tàu mất tính. Ngoài ra, sóng lớn trong bão số 13 đã làm sạt lở nhiều tuyến đê, kè biển tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển
Trong những năm gần đây, triều cường ở khu vực Nam Bộ cũng có diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2019 đợt triều cường ngày 29/9 đã gây ngập lụt diện rộng tại Cần Thơ và Vĩnh Long (mực nước tại trạm thủy văn Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ, TP Cần Thơ đạt mức lịch sử). Triều cường cao vượt kỷ lục vào 15 giờ ngày 16/11/2020 với mực nước quan trắc tại trạm hải văn Vũng Tàu đạt 440cm, cao hơn kỷ lục của tháng 12/1999 (4,36m). Triều cường ở mức cao trong tháng những tháng cuối năm thường gây ngập úng nhiều khu vực trũng, thấp tại ven biển Đông Nam Bộ cũng sâu trong TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng lớn sinh kế người dân.
Về hạn hán và xâm nhập mặn, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng là Đồng bằng Sông Cửu Long, gần đây nhất là năm 2016 và 2020. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn vào năm 2016 đã làm cho 22% diện tích lúa không thể trồng trọt được (chiếm 12% sản lượng lúa quốc gia và 8% GDP nông nghiệp của đất nước), ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 3 triệu người dân làm nông nghiệp.
Về xói lở bờ biển, có xu thế diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, điển hình như: cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), cửa Tùng (Quảng Trị), cửa Đại (Quảng Nam) và khu vực biển Tây Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tương lai gần, những rủi ro thiên tai do bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn cho khu vực ven biển được dự báo có nguy cơ sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực ven biển Việt Nam, Ngân hàng thế giới đề xuất một số hành động, trong đó có nhiệm vụ “Nâng cấp hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm”. Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững thì tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển là thực sự cần thiết và cấp bách.