Một kiểu thu hồi đất khó hiểu ở Hải Dương

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012

Năm 2006 lấy mặt bằng để làm công trình, năm 2008 ra quyết định thu hồi, năm 2009 quyết định mới được chuyển đến gia đình có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, khi áp giá bồi thường lại không tính theo năm ra quyết định thu hồi. Đây là một “kiểu” thu hồi đất rất “lạ” ở huyện Nam Sách, Hải Dương.

Quy định một đằng, bồi thường một nẻo


Ngày 13-5-2008, UBND huyện Nam Sách, Hải Dương ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND thu hồi 100m2 đất (làm tròn số) của hộ bà Nguyễn Thị Tẹo, SN 1923, trú tại đường Nguyễn Đăng Lành, khu Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Gia đình bà Tẹo cho rằng, việc thu hồi đất của UBND huyện Nam Sách có nhiều biểu hiện sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình bà. Sau nhiều năm gia đình và đại diện UBND huyện Nam Sách hòa giải không thành, ông Mạc Văn Khoái (con rể bà Tẹo) được ủy quyền đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề trên.

Các văn bản, chứng từ của vụ việc.


Trong đơn gửi Báo Công lý, ông Khoái trình bày: Ngày 13-5-2008, UBND huyện Nam Sách ban hành Quyết số 3973/QĐ-UB (Quyết định số 3973) nhưng mãi tới ngày 29-7-2009 mới giao cho gia đình ông. Thực tế, Ban GPMB đã lấy đất của gia đình ông từ năm 2006 để làm công trình. Quyết định số 3973 chỉ ghi thu hồi 100m2 đất song thực tế lại lấy vào phần đất của gia đình gần 200m2, số lấy vượt quá quy định, gia đình ông không được bồi thường. Khi bồi thường lại áp giá sai so với quy định của Nhà nước, làm cho gia đình ông thiệt hại 20 triệu đồng (làm tròn số).


Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thanh Bình, Văn phòng luật sư Tâm Đức Phúc, Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương có quan điểm: Căn cứ vào Điều 40, khoản 3 Nghị định số 197/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì: Ban GPMB chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính pháp lý của đất đai, tài sản được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Điều 5 Nghị định quy định: “Bồi thường hoặc hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích đất Nhà nước thu hồi. Bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản có gắn liền với đất và các chi phí đầu tư vào đất bị Nhà nước thu hồi”.


Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 25-5-2007 quy định: Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trước hết phải xác định và công bố chủ trương thu hồi đất, hộ bị thu phải bàn giao đất sau 20 ngày thanh toán xong tiền bồi thường. Thực tế thì năm 2006 đã thi công cải tạo, nâng cấp đường 17A theo phương thức thu hồi đất, thi công xây dựng trước, thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất sau. Như vậy là thủ tục thu hồi đất của UBND huyện Nam Sách không đúng quy định pháp luật.


Về việc xác định vị trí đất thu hồi và giá bồi thường, tại Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 07-4-2008 của tỉnh Hải Dương điều chỉnh đơn giá bồi thường đất thuộc địa phận xã Nam Hồng bị thu hồi đã ghi: Giá vị trí 1 là 2 triệu đồng/m2. Ban GPMB huyện Nam Sách xác định đơn giá theo Quyết định số 4130/QĐ-UBND ngày 29-11-2006 của UBND tỉnh Hải Dương, vị trí 1 giá 900.000 đồng/m2 và xác định vị trí theo Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 5-5-2005 của UBND tỉnh Hải Dương với nội dung tính từ điểm sâu cuối của đất còn lại, cứ 20m dài là một vị trí. Như vậy, Ban GPMB đã làm sai như sau: Đất hộ gia đình cụ Tẹo luôn sát đường 17 cũ, nay thực tế bị lấy vào hơn 3m chiều sâu tính từ mép đường. Rõ ràng, vị trí đất lấy liền sát đường và theo quy định là vị trí 1 nhưng lại chỉ áp giá bồi thường vị trí 2. Như vậy là UBND huyện Nam Sách quy định một đằng, bồi thường một nẻo.


Quan điểm của UBND huyện


UBND huyện Nam Sách cử ông Phạm Huy Xuân (Thanh tra huyện Nam Sách) làm đại diện theo ủy quyền để giải thích về vấn đề này. Theo ông Xuân, việc Nhà nước chỉ thu hồi 100m2 đất của hộ gia đình ông Khoái để thi công cải tạo nâng cấp đường 17A, ranh giới thu hồi tính từ mép trong vỉa hè đã xây dựng, phù hợp với thiết kế được phê duyệt. Đồng thời, UBND huyện Nam Sách không đồng ý bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo vị trí số 1 với số tiền là 260 triệu đồng, không đồng ý bồi thường lãi chậm trả cũng như thiệt hại về tinh thần cho gia đình ông Khoái. Còn việc Quyết định số 3973 ngày 13-5-2008 của UBND huyện Nam Sách giao cho gia đình ông Khoái chậm hơn một năm, đại diện UBND huyện cho rằng, thực tế Nhà nước đã có văn bản thu hồi từ ngày 13-5-2008.


Hồng Sơn

congly.com.vn