Hải Phòng: Thị trường hàng xách tay, hàng “sida” tràn lan, thiếu kiểm soát
Đời sống - Ngày đăng : 09:59, 18/03/2021
Tràn lan hàng "sida"
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các tuyến phố của trung tâm TP Hải Phòng đều có các cửa hàng bày bán những sản phẩm hàng xách tay, hàng “sida”. Trên đường Lãn Ông dài chưa đầy 1km nhưng có hàng chục cửa hàng san sát nhau bày bán la liệt các loại sản phẩm rượu, thuốc lá, xì gà, túi xách, mỹ phẩm. Tại đường Lý Thường Kiệt cũng có không dưới 10 cửa hàng nằm rải rác chuyên bày bán các loại rượu ngoại.
Còn tại các tuyến đường Lạch Tray, Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Lợi, Cầu Đất,… có vô số các cửa hàng bày bán sản phẩm quần áo, dày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) với những biển hiệu quảng cáo rất hấp dẫn như: “hàng xịn chuẩn Auth”, “hàng xách tay chính hãng”, “xách tay hàng Mỹ, Nhật, Pháp”...
Cùng với hàng xách tay, trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Trần Nguyên Hãn, Tô Hiệu, Tôn Đức Thắng, Mê Linh, Điện Biên Phủ, Phạm Minh Đức bày bán la liệt các loại hàng đã qua sử dụng mà người tiêu dùng quen gọi là hàng “sida”. Hàng “sida” đa dạng chủng loại từ quần áo, dày dép, mũ, túi xách, thắt lưng đến kính, bút, đồng hồ…
Các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay không chỉ nằm ở vị trí mặt đường sầm uất, mà còn len lỏi trong những con ngõ nhỏ trên khắp các tuyến đường của thành phố. Trong đó, cửa hàng có tên JUNIE nằm trong ngõ 199 Lạch Tray (quận Ngô Quyền) được rất nhiều phụ nữ biết đến như “thiên đường” mỹ phẩm xách tay. Một cửa hàng chuyên buôn bán đồ xách tay từ Nhật nằm sâu trong ngõ 90 Mê Linh và hàng loạt các cửa hàng tại khu đường tàu phố Cát Cụt (quận Lê Chân) chuyên bán các loại đồ cũ là những ví dụ cụ thể.
Ngoài ra, việc buôn bán hàng xách tay, hàng “sida” tại Hải Phòng còn diễn ra khá phổ biến trên mạng internet. Khách hàng chỉ cần vào google hay facebook gõ từ khoá “hàng xách tay”, “mỹ phẩm xách tay”, “hàng thùng giá rẻ” lập tức xuất hiện hàng nghìn kết quả tìm kiếm. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần chọn sản phẩm và liên hệ người bán là có thể mua được hàng hoá sau vài giờ.
Bán hàng bằng “uy tín”, mua hàng bằng “niềm tin”
Trong vai khách hàng tìm mua đồ hiệu xách tay, phóng viên có mặt tại một cửa hàng có biển quảng cáo T.N AUTHENTIC “hàng chuẩn xách tay” trên đường Lạch Tray. Tại đây, các loại hàng hoá như: Quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa, phụ kiện mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán khá bắt mắt và sang trọng. Khi được hỏi đôi giày hiệu L.V màu đen, ông chủ cửa hàng T.N giới thiệu: “Đôi này size 41, hàng xách tay từ Pháp giá 22 triệu đồng. Cửa hàng cam kết hàng nhập chuẩn, khách có thể kiểm tra mã code, phiếu bảo hành quốc tế. Nếu muốn size to hơn hoặc chọn mẫu khác, thì khách có thể đặt sau 1-2 tuần là có hàng”. Đặt đôi giày lên tủ, ông chủ cửa hàng chỉ tay về phía các sản phẩm trưng bày trên kệ rồi giới thiệu áo sơ mi hiệu Burberry, nước hoa Versace, thắt lưng L.V, kính Rayban,..toàn hàng chuẩn xách tay từ nhiều nước trên thế giới.
Khi phóng viên thắc mắc về việc các sản phẩm bày bán tại cửa hàng không có tem nhập khẩu, tem kiểm định của Cơ quan chức năng thì ông chủ cửa hàng nhanh nhảu đáp: “Hàng xách tay trốn thuế thì làm gì có tem, bên em buôn bán uy tín hơn 6 năm nay, cam kết đền gấp 10 lần nếu phát hiện là nhái. Hàng tháng, chúng em đóng “luật” hết rồi nên hàng mới có giá rẻ, đảm bảo chuẩn Auth”.
Rời cửa hàng T.N AUTHENTIC, phóng viên tiếp tục đến cửa hàng thời trang nữ có tên UK AUTHENTIC trên đường Lạch Tray. Bước vào cửa hàng, bà chủ tên H. hồ hởi cho biết: “Nhà chị chuyên bán quần áo, nước hoa, túi xách, thực phẩm chức năng của nhiều hãng lớn trên thế giới, chủ yếu là hàng sale bên nước ngoài xách về. Cửa hàng buôn bán được hơn chục năm, mẫu mới liên tục xách tay về nên nhà chị toàn khách quen”.
Thấy chúng tôi quan tâm mặt hàng thực phẩm chức năng đang trưng bày trong tủ, bà chủ nói: “Đây là các sản phẩm hỗ trợ tim mạch, thần kinh, mắt, dưỡng da xách về từ Úc và Mỹ. Cửa hàng có người nhà chuyên gom hàng bên nước ngoài, vì vậy hàng ở đây có thể nói là chuẩn nhất Hải Phòng, em cứ yêu tâm mua hàng, sai chị chịu trách nhiệm”.
Thường mua sắm tại cửa hàng UK AUTHENTIC, chị Phạm Minh N. (ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ, khi mua hàng xách tay người mua chỉ biết tin vào người bán, bởi bao bì, nhãn mác thì ghi hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, nếu có thì cũng chỉ có một vài dòng chữ tiếng Việt do người bán tự ghi vào giấy, dán đè lên hộp. Người nọ mua rồi mách người kia mua chứ không ai có thể kiểm chứng được chất lượng.
Hàng “sida” hút khách
Nhằm tìm hiểu cặn kẽ về mặt hàng “sida”, phóng viên tiếp tục đến một số tuyến phố nội thành Hải Phòng từ lâu trở thành “thủ phủ” của loại hàng này. Tại cửa hàng M.A. trên đường Hai Bà Trưng nổi bật với tấm bảng quảng cáo “hàng thùng xịn chuẩn Auth”, vô số quần áo được treo trên giá, giày dép trưng bày trên kệ, túi xách treo trên tường cùng hàng đống đồ cũ xếp chồng lên nhau nằm la liệt dưới nền nhà. Cầm trên tay những sản phẩm “sida”, bà chủ cửa hàng liên tục giới thiệu: “Áo này hàng Mỹ 100K, váy kia hàng Nhật Bản 250K, túi xách chuẩn Ý 800K, giày chính hiệu Pháp 1 triệu”. Tuy số lượng đồ “sida” nhiều bạt ngàn, nhưng bà chủ vẫn nhớ tường tận xuất xứ của từng món hàng. Mỗi khi “thượng đế” hỏi xuất xứ sản phẩm, người bán hàng lập tức trả lời như thói quen, còn người mua chỉ biết đặt niềm tin nghe theo.
Chị Th. (ở quận Hồng Bàng) là khách quen của cửa hàng M.A. cho hay, khoảng 12h hàng ngày, bà chủ bắt đầu mở bán livestream (trực tiếp) trên facebook, thu hút hàng nghìn người theo dõi và đặt mua. Sau khi khách chọn mã sản phẩm, để lại số điện thoại và địa chỉ trong phiên mua bán công khai trên mạng, hàng hoá sẽ được đóng gói chuyển phát qua đường bưu điện. Mỗi sản phẩm rao bán diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 10 giây để khách hàng có thể xem và ghi nhớ mã sản phẩm để đặt mua. Kết thúc phiên bán hàng qua mạng, hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, giày dép,… sẽ được gói bằng túi nilong ghi đầy đủ thông tin, địa chỉ người mua. Doanh thu mỗi buổi bán hàng ước tính khoảng 30-60 triệu đồng. Bên cạnh đó, lượng khách đến cửa hàng M.A. mua trực tiếp khá đông, nên lợi nhuận và lượng hàng bán ra thị trường là rất đáng nể.
Theo một số khách hàng chuyên “săn” hàng “sida”, những chiếc quần, áo, váy, giày, sandal, túi xách, vòng đeo tay,… có giá từ vài chục nghìn cho đến hàng triệu đồng. Thậm chí, một chiếc túi xách da còn có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Trong mỗi buổi livestream, người bán hàng luôn giới thiệu hàng thùng xuất xứ Châu Âu, Nhật Bản. Thế nhưng, hầu như người mua không thể kiểm chứng được nguồn gốc của những sản phẩm trên.
Từng có thâm niên sử dụng hàng “sida”, anh T. (ở quận Lê Chân) cho rằng, hàng thùng “sida” có chỗ đứng trong lòng khách hàng chính là nhờ tâm lý chuộng đồ ngoại của một bộ phận người dân. Nhiều chiếc quần áo, giày dép, túi xách còn khá mới khi nhập về Việt Nam có giá chỉ bằng 1/3 hàng mới, lại còn mang thương hiệu nước ngoài. Nhờ kiểu dáng “độc”, mà ngay cả những người có điều kiện kinh tế khá giả vẫn tò mò tìm mua hàng “sida” về sử dụng. Tuy nhiên, hầu như người dùng hàng “sida” lựa chọn sản phẩm chỉ bằng giác quan và sở thích, còn nguồn gốc hàng hoá hay chất lượng thì “mù tịt”.
Hàng hoá không rõ nguồn gốc đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng
Một số chuyên gia Y tế nhấn mạnh, hàng “sida” thường có mùi ẩm mốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, khi sử dụng hàng “sida” không rõ nguồn gốc, nhiều khách hàng còn phải đối mặt với các căn bệnh như nấm, viêm da... Trong đó, nhiều phụ nữ còn bị bệnh phụ khoa vì dùng đồ lót là hàng thùng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, những năm gần đây, dịch Ebola hay Covid-19 lây lan trên diện rộng. Đây là loại bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với quần áo người bệnh. Vào thời điểm nhạy cảm này, người dân nên tự biết cách phòng tránh và bảo vệ bản thân. Việc dùng các đồ quần áo, giày dép được nhập khẩu từ nước ngoài, không bảo đảm rõ được nguồn gốc, xuất xứ từ đất nước nào, có phải quần áo của người bị bệnh hay không rất nguy hiểm.
Theo một cán bộ hải quan Hải Phòng, người tiêu dùng nên cẩn trọng với hàng xách tay. Đặc biệt khi mua cần chú ý đến thời hạn sử dụng bởi hàng xách tay nhiều khi nhập về đến Việt Nam đã quá “đát”, hay hàng cận ngày sử dụng vẫn được nhập về. Mặt khác, vì giá bán cao, lại “lách” được kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng nên dẫn đến thực trạng là có khá nhiều hàng giả, hàng nhái trà trộn với hàng chính hãng.
Bên cạnh đó, khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, người tiêu dùng khó đòi hỏi các chủ cửa hàng, nhà sản xuất bồi thường, bởi vì mua bán qua mạng, mua bán hàng xách tay thì người bán nhiều khi cũng không nắm rõ nguồn gốc hàng hóa. Chính vì vậy, để không mua phải hàng xách tay kém chất lượng mà giá cao, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua.
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý để không cho phép lưu thông các mặt hàng hàng xách tay nhái, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ lây bệnh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để tìm hiểu vấn đề này, Báo Công lý đã liên hệ và đăng ký làm việc với Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng nhưng cơ quan này chưa sắp xếp được buổi làm việc.
Được biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng có 8 Đội QLTT, với hơn 100 cán bộ có trách nhiệm quản lý và giám sát hàng hoá lưu hành trên địa bàn thành phố.
Thế nhưng, thực trạng hàng hoá không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người được bày bán tràn lan khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi: “Các cơ quan quản lý đang ở đâu?”.
Báo Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và thông tin đến bạn đọc.