Doanh nghiệp “dài cổ” đợi … thi hành án
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012
Đối tác thành… con nợ
Năm 2005, Công ty Cadovimex cùng Công ty South China Seafood (SCS) do ông Trần Kia, một người Việt gốc Hoa làm chủ, đã ký hai hợp đồng thương mại về mua bán và ký gửi hàng hóa. Theo đó, Cadovimex xuất khẩu hàng tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ còn SCS nhập khẩu và cho ký gửi hàng hóa, đồng thời bán hàng tại thị trường Hoa Kỳ. Hai bản hợp đồng được thực hiện suôn sẻ nhưng đến giữa năm 2006 thì bắt đầu phát sinh “trục trặc” vì SCS có dấu hiệu trở thành con nợ khó đòi.
Ảnh minh hoạ
Khi số nợ tiền hàng của SCS tính đến con số “triệu đô”, SCS bắt đầu trả chậm, xin giãn nợ. Đến cuối năm 2006, số tiền mà SCS nợ Cadovimex vào khoảng 3,7 triệu USD. SCS tiếp tục đề nghị đối tác Việt Nam cung cấp hàng để kinh doanh nhằm đẩy nhanh tiến độ trả nợ. Tin tưởng vào SCS nên Cadovimex tiếp tục bán hàng cho SCS. Nhưng chính việc hy vọng đối tác sẽ thanh toán sòng phẳng khoản tiền hàng đang còn nợ lại khiến khoản nợ ngày càng lớn thêm.
Sau khi biết SCS cố tình chiếm dụng vốn, không trả số nợ lên đến gần 4,7 triệu USD, Cadovimex đã buộc phải khởi kiện đối tác tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam theo thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp mà hai bên đã ký kết.
Ngày 25-5-2008, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thụ lý vụ kiện. Nhưng trong quá trình tiến hành giải quyết vụ việc, Hội đồng trọng tài liên tục gặp khó khăn do SCS biến mất tại địa chỉ cũ, có dấu hiệu chiếm đoạt luôn số tiền đang nợ Cadovimex. Vì thế, phải mất 8 tháng kể từ khi thụ lý vụ kiện, Hội đồng trọng tài mới có thể ra phán quyết về vụ việc này.
“Dài cổ” đợi thi hành án
Theo phán quyết của Hội đồng trọng tài, SCS phải trả cho Cadovimex hơn 4,6 triệu USD, trong đó có 3,7 triệu USD nợ cũ. SCS cũng bị buộc phải trả lại hơn 6.000 thùng hàng tôm đông lạnh của Cadovimex đang ký gửi tại kho đông lạnh của SCS.
Sau khi phán quyết của Hội đồng trọng tài được công bố thì SCS đã có đơn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ phán quyết trọng tài vì Công ty này cho rằng phán quyết trọng tài không đúng pháp luật. Tuy nhiên, cả hai cấp Tòa xét xử theo yêu cầu của SCS là TAND Tp. Hồ Chí Minh và Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh đều không chấp nhận yêu cầu của Công ty này vì quyết định của Hội đồng trọng tài là đúng pháp luật. Hơn nữa, SCS không thể phủ nhận trách nhiệm trả nợ số tiền đang chiếm dụng của doanh nghiệp Việt Nam.
Sau khi có quyết định cuối cùng của Tòa án về vụ việc này, Cadovimex đã xác định được “con nợ” của mình đang có khối tài sản rất lớn tại Việt Nam, đó là Công ty TNHH Duyên hải Bạc Liêu - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của SCS được thành lập theo pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì thế, Cadovimex đã yêu cầu Cục Thi hành án tỉnh Bạc Liêu kê biên tài sản này để đảm bảo thi hành án.
Để việc thi hành án đảm bảo đúng pháp luật, cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan có thẩm quyền cũng đã được tổ chức và đi đến kết luận, nếu có đủ căn cứ chứng minh Công ty Duyên hải Bạc Liêu là Công ty “con” của SCS thì tài sản của pháp nhân này là tài sản có thể kê biên để đảm bảo thi hành án. Các cơ quan Nhà nước tiếp tục vào cuộc để chứng minh mối quan hệ này nhằm đảm bảo việc thi hành phán quyết trọng tài một cách đúng pháp luật.
Theo thông báo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 2004, SCS đã thành lập doanh nghiệp 100% vốn có tên là Công ty TNHH Nam Hải, sau được đổi tên thành Công ty Duyên hải Bạc Liêu. Đơn xin phép thành lập Công ty Nam Hải do chính ông Trần Kia, đại diện của SCS ký.
Phía Cadovimex cũng chỉ còn cơ hội duy nhất là được cơ quan thi hành án kê biên tài sản của SCS tại Việt Nam để thi hành án bởi vì, bản thân Công ty “mẹ” tại Hoa Kỳ nay đã đóng cửa, tại địa chỉ kinh doanh chỉ còn lại một kho hàng.
Theo yêu cầu và sự chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án địa phương cũng tích cực thực hiện việc thi hành án nhưng vẫn có ý kiến không đồng tình với việc kê biên tài sản của Công ty Duyên hải Bạc Liêu. Vì thế, việc thi hành án cứ dây dưa còn doanh nghiệp Việt Nam bị chiếm dụng vốn thì cứ “dài cổ” … đợi.
Số tiền 4,6 triệu USD bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng suốt 5 năm qua nếu không sớm được thu hồi sẽ khiến Cadovimex cùng số phận hàng trăm lao động bị đẩy đến bờ vực phá sản. Theo quy định của pháp luật về thi hành án, Lãnh đạo UBND Bạc Liêu có trách nhiệm chỉ đạo đối với công tác thi hành án, đặc biệt là các vụ án phức tạp. Vụ thi hành án này tuy không phải là vụ việc phức tạp nhưng cần sự chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.
PV