TAND cần thực hiện 13 nhiệm vụ “then chốt” mang tính đột phá trong 6 tháng cuối năm 2021

Tòa án - Ngày đăng : 09:20, 15/03/2021

Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu 2021 (ngày 14,15/3) và triển khai công tác tổ chức cán bộ của TAND, UVTW Đảng- Phó Chánh án Thường trực TANDTC Lê Hồng Quang đã nhấn mạnh 13 nhiệm vụ trọng tâm phải phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án từ nay đến cuối năm 2021 được xác định là:

1. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Căn cứ vào kế hoạch của Trung ương và các cấp ủy đảng địa phương, lãnh đạo các Tòa án cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, tích cực tham gia đóng góp ý kiến để thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội, nhất là các định hướng về cải cách tư pháp trong thời gian tới thành các quy định cụ thể sát với tình hình thực tế triển khai các nhiệm vụ công tác của TAND.

hoi-nghi.tand.-anh-1...jpg
Phó Chánh án thường trực TANDTC Lê Hồng Quang nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2021

2. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Cấp ủy đảng địa phương và Chỉ thị của Chánh án TANDTC về bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2021-2026. Phối hợp với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp chuẩn bị nhân sự bầu Hội thẩm TAND hai cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Tham gia phục vụ việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

3. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2021 đã đề ra.

4. Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng; tuân thủ và thực hiện nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, cơ quan tổ chức hữu quan, cơ quan bổ trợ tư pháp. Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị và kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm.

5. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; củng cố, kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp của TAND, xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối. Thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quy hoạch bổ nhiệm Thẩm phán TAND các cấp…

6. Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý. Nghiêm túc thực hiện tốt Quy tắc đạo đức ứng xử của cán bộ, công chức TAND; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong TAND, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự công cộng và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Hàng tháng, Chánh án TAND phải tiếp công dân và công khai lịch tiếp công dân; phân công cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín làm công tác thường trực tiếp công dân.

7. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các Dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ. Chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử để đề xuất hướng dẫn. Rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật cũ do TANDTC ban hành so sánh với các Luật, Bộ luật mới được ban hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp.

8. Căn cứ kết quả kiểm tra việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các Tòa án cần đảm bảo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản hướng dẫn thi hành góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.

9. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Rà soát các Dự án xây dựng Tòa án cấp tỉnh để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hoàn thành xây dựng trong thời gian tới. Triển khai kế hoạch mua sắm bàn ghế, phương tiện; nghiên cứu tham mưu đề nghị Chính phủ cấp thêm kinh phí để trang bị đồng bộ, đầy đủ xe ô tô cho các Tòa án.

10. Triển khai các nhiệm vụ về công tác đối ngoại nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 trên tinh thần thiết thực, hiệu quả. Chủ động nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp và tư pháp quốc tế. Cung cấp thông tin phiên bản tiếng Anh trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chánh án TANDTC trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Chánh án các nước ASEAN nhiệm kỳ 2020-2021.

11. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa. Tăng cường đẩy mạnh việc áp dụng các phần mềm nội bộ, đảm bảo 100% các đơn vị sử dụng được các thông tin, dữ liệu trên phần mềm, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TAND hai cấp. Hoạt động có hiệu quả Trang thông tin điện tử TAND tỉnh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác.

12. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của TAND, tuyên truyền công khai, minh bạch, hiệu quả.

13. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Tòa án, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng, chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp, vinh danh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.


Trần Sỹ - Lê Hiếu