Tin vắn thế giới ngày 13/3: Thế giới xấp xỉ 120 triệu ca mắc COVID-19; WHO khuyến cáo tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca
Chuyển động - Ngày đăng : 07:08, 13/03/2021
Thế giới xấp xỉ 120 triệu ca mắc COVID-19
Theo Worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/3 (giờ Việt Nam), tổng số mắc COVID-19 trên toàn cầu là 119.567.334 ca, trong đó có 2.650.043 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 96.463.848 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 20.737.688 ca và 89.446 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ đề cao khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Ngày 12/3, các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ Tứ" gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Hội nghị diễn ra trực tuyến theo đề xuất của
Mở đầu hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều thiết yếu đối với tương lai của các nước này, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các đối tác trong nhóm "Bộ Tứ", cũng như với các nước trong khu vực nhằm đạt được ổn định.
Nhóm 'Bộ Tứ' thúc đẩy sáng kiến tăng năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã khởi động một nỗ lực chung nhằm gia tăng nguồn cung vaccine ngừa bệnh COVID-19. Theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đơn liều của Johnson & Johnson (Mỹ) như một phần trong sáng kiến của nhóm "Bộ Tứ" này.
Trung Quốc kêu gọi xúc tiến đối thoại hòa giải tại Myanmar
Ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giảm căng thẳng tại Myanmar, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế giúp tạo điều kiện cho hòa giải ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian sớm nhất.
Xuất khẩu khí tài quân sự của Nga trụ vững trong đại dịch COVID-19
Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga là một trong số ít những ngành công nghiệp của nước Nga trụ vững trong đại dịch COVID-19.
Phát biểu trên kênh Rossiya 24 ngày 12/3, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quân sự - kỹ thuật LB Nga Dmitry Shugayev thông báo tổng giá trị các hợp đồng đặt mua vũ khí của Nga trong năm 2020 vẫn duy trì ở mức 50 - 55 tỷ USD. Xét trong bối cảnh đại dịch hoành hành, đây là một năm đầy thành công với hoạt động xuất khẩu khí tài quân sự của Nga.
Tòa án Nhật Bản bác kiến nghị đình chỉ hoạt động 2 lò phản ứng hạt nhân
Ngày 12/3, một tòa án Nhật Bản đã bác bỏ yêu cầu đình chỉ hoạt động đối với 2 lò phản ứng hạt nhân do công ty điện lực Kyushu vận hành.
Các nguyên đơn bao gồm cả cư dân địa phương đã kiến nghị đình chỉ hoạt động đối với các lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy điện hạt nhân Genkai ở tỉnh Saga, Tây Nam Nhật Bản, do lo ngại về an toàn.
Nga ủng hộ Afghanistan thành lập chính phủ lâm thời có đại diện Taliban
Ngày 12/3, Nga tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Afghanistan thành lập một chính phủ lâm thời, trong đó có các thành viên của Taliban, trước thềm cuộc đàm phán tại Moskva vào tuần tới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Tây Nam Á này.
Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch tổ chức đàm phán hòa bình cho Afghanistan
Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán hòa bình cho Afghanistan tại thành phố Istanbul vào tháng 4 tới.
Hãng thông tấn Anadolu ngày 12/3 dẫn lời Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết thêm rằng Ankara sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên về Afghanistan.
Brazil phát hiện thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Ngày 12/3, một nhóm các nhà nghiên cứu Brazil đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh hơn loại virus gốc và đã xuất hiện ở nhiều vùng của quốc gia Nam Mỹ này trong vài tuần trở lại đây.
WHO khuyến cáo tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca
Liên quan đến những lo ngại vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) gây đông máu, khiến một số nước quyết định dừng tiêm loại vaccine này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng không có lý do để dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết hiện ủy ban cố vấn về vaccine của tổ chức này đang nghiên cứu dữ liệu an toàn, đồng thời nêu rõ không có mối liên quan nào giữa vaccine và vấn đề đông máu. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, khẳng định: "AstraZeneca là một loại vaccine hữu hiệu, cũng như các loại vaccine khác đang được sử dụng".
ADB cho Philippines vay 400 triệu USD mua vaccine ngừa COVID-19
Ngày 12/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đã thông qua khoản vay 400 triệu USD giúp Philippines mua vaccine ngừa COVID-19.
Philippines là quốc gia đầu tiên được hỗ trợ tài chính trong khuôn khổ Chương trình Tiếp cận Vaccine châu Á - Thái Bình Dương (APVAX) trị giá 9 tỉ USD của ADB. Khoản vay mới sẽ giúp Bộ Y tế Philippine mua và phân phối các loại vaccine được Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận, và vaccine của các nhà cung cấp song phương đáp ứng được tiêu chuẩn của APVAX.
Sanofi bắt đầu thử nghiệm trên người loại vaccine dựa trên công nghệ mRNA
Ngày 12/3, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp và hãng công nghệ sinh học Translate Bio của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm trên người ứng cử viên vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA (mang thông tin di truyền).
WHO cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine của hãng Johnson & Johnson
Ngày 12/3, WHO đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), sau khi phê chuẩn cho các vaccine do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca bào chế.
Thông tin trên được đưa ra sau khi loại vaccine tiêm một liều duy nhất này được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép lưu hành hôm 11/3. Ngoài ra, vaccine của J&J cũng được "bật đèn xanh" từ các cơ quan quản lý ở Mỹ, Canada và Nam Phi.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, Italy phong tỏa dịp Lễ Phục sinh
Ngày 12/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 và Italy sẽ đặt trong tình trạng phong tỏa trên cả nước dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 3-5/4).
Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3-6/4. Sắc lệnh bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại của người dân cũng như các quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc phân định vùng màu theo tỷ lệ lây nhiễm. Khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 250 trường hợp/100.000 dân trong một tuần sẽ chuyển sang vùng đỏ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hãng hàng không Qantas thử nghiệm 'hộ chiếu vaccine điện tử'
Hãng hàng không Qantas của Australia, ngày 12/3, đã triển khai thử nghiệm hệ thống “hộ chiếu vaccine điện tử” đầu tiên trên một chuyến bay quốc tế từ Đức đến Australia, trong nỗ lực trang bị những biện pháp cần thiết để vận hành trở lại các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thêm một tỉnh của Campuchia giáp giới Thái Lan cấm tụ tập đông người
Báo Khmer Times ngày 12/3 đưa tin tỉnh Pailin ở phía Tây Bắc Campuchia giáp giới Thái Lan là địa phương tiếp theo của Campuchia thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Hong Kong nỗ lực khống chế ổ dịch tại phòng tập thể hình
Ngày 12/3, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã ghi nhận 60 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong bối cảnh nhà chức trách đang phải nỗ lực khống chế tình trạng lây lan dịch COVID-19 xuất phát từ một ổ dịch tại phòng tập thể hình.
Hàn Quốc gia hạn lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ Anh
Ngày 12/3, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ Anh cho đến ngày 1/4 nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể của virus SARS-CoV-2 xâm nhập Hàn Quốc.
Trước đó, sau khi liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Hàn Quốc đã ban lệnh tạm ngừng khai thác các chuyến bay xuất phát từ sân bay quốc tế Heathrow từ ngày 23/12/2020.
Mỹ: Đề nghị gia hạn chính sách 'không khoan nhượng' với hành khách không đeo khẩu trang
Người đứng đầu Ủy ban Giao thông và Cơ sở Hạ tầng thuộc Hạ viện Mỹ ngày 11/3 đã kêu gọi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) gia hạn chính sách "không khoang nhượng" đối với hành khách không đeo khẩu trang hoặc gây rối trong chuyến bay.
Nhiều sinh viên bị bắt cóc tại miền Tây Bắc Nigeria
Ngày 12/3, cảnh sát và giới chức địa phương xác nhận các tay súng đã bắt cóc một số sinh viên của một trường cao đẳng tại bang Kaduna, miền Tây Bắc nước này.
Thông báo nêu rõ các tay súng đã tấn công trường Cao đẳng Cơ khí Lâm nghiệp Liên bang ở khu vực Mando của bang Kaduna vào tối 11/3 (theo giờ địa phương). Đến rạng sáng 12/3, quân đội Nigeria đã giải cứu được 180 người, nhưng vẫn còn 30 sinh viên bị mất tích. Lực lượng an ninh đang nỗ lực truy tìm và giải cứu các sinh viên.
Cướp biển tấn công tàu chở hóa chất của Hà Lan, bắt cóc nhiều thủy thủ
Ngày 12/3, Công ty vận tải biển De Poli của Hà Lan thông báo cướp biển đã tấn công tàu chở hóa chất Davide B của công ty này ngoài khơi bờ biển Benin trên Vịnh Guinea và bắt cóc nhiều thủy thủ.
Nổ mỏ than ở Tây Nam Pakistan, ít nhất 6 người thiệt mạng
Ít nhất 6 thợ mỏ đã thiệt mạng trong một vụ nổ mỏ than mới xảy ra tại tỉnh Balochistan, miền Tây Nam Pakistan, giáp giới với Afghanistan.
Giới chức tỉnh Balochistan cho biết vụ nổ xảy ra do khí metan tích tụ tại mỏ than ở khu vực Marwar. Những người thiệt mạng nằm trong số 8 người mắc kẹt dưới lòng đất sâu hơn 300 mét. Đội cứu hộ đã đưa được 6 thi thể ra khỏi mỏ than trong sáng 12/3. Nhà chức trách đã phong tỏa mỏ than và mở cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Sau Ant của Jack Ma, đến lượt Tencent bị Chính phủ Trung Quốc 'sờ gáy'
Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc ngày 12/3 đã “tuýt còi” đối với Tencent - tập đoàn lớn nhất châu Á hoạt động trong ngành công nghệ tài chính (Fintech). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng chiến dịch rà soát, lập lại trật tự trong ngành Fintech, khởi đầu là vụ nhằm vào đế chế kinh doanh trên mạng Ant của tỷ phú Jack Ma.