Vụ án Ethanol ở Phú Thọ: Những lời sau cùng gan ruột của bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 21:00, 12/03/2021
Đinh La Thăng xin miễn trách nhiệm hình sự cho cấp dưới
Theo đó, trong lời nói sau cùng trước HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) nói đã nỗ lực cố gắng cùng tập thể nhân viên để thực hiện tốt dự án nhiên liệu sinh học. Bị cáo Thăng nói: “Bản thân tôi cũng như nhân viên luôn làm việc vì đất nước, vì nhân dân, không vụ lợi cho cá nhân, làm việc hết sức quyết liệt với trách nhiệm làm thế nào để chủ trương của Đảng, Chính phủ được đưa vào thực tiễn. Mục đích, động cơ là làm việc tốt nhất, cho kết quả tốt nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ”.
Cũng trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Thăng cũng cho rằng trong hoạt động doanh nghiệp, không phải lúc nào cũng là thắng lợi tất cả; dự án này, chủ đầu tư là đơn vị khác; trong nền kinh tế thị trường, ai cũng muốn hiệu quả và muốn làm đúng để cho ra kết quả tốt nhất; nhưng trong quá trình làm không thể tránh được rủi ro.
Khép lại phần nói lời sau cùng của mình, bị cáo Đinh La Thăng cũng dành những nhận xét cho nhân viên của mình. Cụ thể, với bị cáo Trần Thị Bình, bị cáo Thăng nhận định bà Bình là người có năng lực, nhiều thành tích, luôn hoàn thành công việc; hiện hoàn cảnh gia đình của bị cáo Bình khó khăn nên mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bà Bình. Trong trường hợp HĐXX vẫn quy trách nhiệm cho bà Bình thì bị cáo xin nhận trách nhiệm này, bao gồm cả phần hình sự và dân sự.
Với các bị cáo khác, bị cáo Thăng mong HĐXX xem xét, cá thể hóa vai trò của từng bị cáo; đồng thời ông Thăng khẳng định: “Trong dự án này, tôi không sai sót".
Cũng trong phần nói lời sau cùng trước HĐXX, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng GĐ Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) giãi bày: “Tại thời điểm nay, tôi đang bị tạm giam được hơn 3 năm, tôi nghĩ rất nhiều về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và tôi biết cuộc đời mình không phải toàn diện, bản thân tôi cũng rất nhiều lỗi lầm”.
Tuy nhiên, theo bị cáo Trịnh Xuân Thanh, các bị cáo ở đây, đặc biệt là những người ở PVC đều có nhân thân rất tốt, làm việc tích cực. Gia đình bị cáo cũng làm việc và cống hiến cả đời cho đất nước. Bản thân bị cáo cũng luôn nghĩ trong đầu và luôn dặn cấp dưới phải chấp hành pháp luật.
Nói về vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng phần tranh luận, đối đáp của VKS vẫn giống bản luận tội trước đó. Bị cáo Thanh nói: “Không thể dựa vào một lời khai mà định tội; tại sao bị cáo lại phải làm cả một quá trình phức tạp để đến nay nợ 3 tỉ đồng? Tôi hoàn toàn không hưởng lợi. Tôi mong HĐXX xem xét thật kỹ”.
Với bị cáo Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc PVB mong HĐXX xem xét thấu đáo các bằng chứng trong vụ án để đưa ra bản án công tâm, thấu tình, đạt lý. Bị cáo Hà khẳng không làm thất thoát tiền và gửi lời xin lỗi các cộng sự vì làm dự án này mà phải vướng vòng lao lý; xin lỗi gia đình vì đã làm họ lo lắng. Bị cáo Hà nói: “Bị cáo làm dự án với mong muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước nhưng lực bất tòng tâm, bị cáo chỉ mong muốn HĐXX xem xét kỹ các nội dung của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo”.
Về phía bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó phòng đầu tư dự án PVB giãi bày: “Bản thân cảm thấy may mắn khi được sinh ra trong gia đình truyền thống, có công với cách mạng; bản thân bị cáo hiện sức khỏe yếu, nay lại bị truy tố, trở thành gánh nặng cho gia đình”. Vì vậy, bị cáo Thủy có nguyện vọng xin HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng sự khoan hồng, mong thời gian chịu án bằng thời gian bị tạm giam để có thể trở về chăm lo cho gia đình.
Giọt nước mắt rơi giữa phiên toà
Rơi nước mắt khi nói những lời sau cùng tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC giãi bày: “Suốt thời gian bị tạm giam, tôi thường xuyên suy nghĩ, không biết mình đã sai phạm những gì. Với bản thân tôi, tai nạn này quá lớn. Qua thời gian xét xử, bị cáo nhận thức được rằng mọi việc nên làm đúng và tôn trọng pháp luật từ trong ý tưởng, đề xuất”.
Cuối lời, bị cáo Dũng gửi lời xin lỗi đến gia đình và mong mọi người hiểu rằng trong vụ án này, bị cáo hoàn toàn trong sạch. Bị cáo chỉ là người làm công, không vụ lợi, không có bất kỳ động cơ cá nhân nào và bản thân cũng cố gắng đưa ra giải pháp để hạn chế thấp nhất rủi ro. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo luôn khai báo thành khẩn, hiện vợ bị cáo đang bị ung thư… nên bị cáo Dũng kính mong HĐXX xem xét để nhận được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Là bị cáo nữ duy nhất trong vụ án, bị cáo Trần Thị Bình (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho biết cả cuộc đời bà đã cống hiến cho PVN, cá nhân đã tham gia quản lý ở nhiều dự án và luôn có thái độ khách quan, vô tư; không né tránh mà luôn nói lên ý kiến của mình trong công việc.
Đối với dự án Ethanol Phú Thọ, theo nguyên Phó tổng giám đốc PVN, bà không tham gia quản lý trực tiếp nhưng vẫn giữ được sự khách quan để dự án có thể phát triển tốt nhất; và không có lý do cá nhân nào để làm hại đến dự án. Nữ bị cáo Bình nói: “Cả cuộc đời làm việc, tôi chưa phải xin xỏ ai, chỉ là người phụ nữ bình thường, thích làm chuyên môn nhưng khi được giao việc, tôi làm việc một cách vô tư nhưng hôm nay, bị cáo thiết tha, đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh vụ án cụ thể để bị cáo có thể được tại ngoại".
Với các bị cáo còn lại trong vụ án đều khẳng định bản thân không vụ lợi, không có lợi ích nhóm trong dự án Ethanol Phú Thọ và đều rất đau xót khi dự án không hoàn thành; vì vậy, các bị cáo đều mong HĐXX minh xét để có thể sớm trở về với gia đình và mong không bị áp trách nhiệm dân sự.
Đề nghị nhiều mức án nghiêm khắc
Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 12 năm tù đến 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, hình phạt chung mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Cùng tội danh trên, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí – PVB bị đề nghị từ 7-8 năm tù. Bị cáo Trần Thị Bình, cựu Phó TGĐ PVN từ 2-3 năm tù. Bị cáo Phạm Xuân Diệu, cựu TGĐ PVC từ 5-6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng, cựu Phó TGĐ PVC từ 4-5 năm tù. Bị cáo Đỗ Văn Quang, cựu Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch, sau là Ban Kinh tế đấu thầu PVC từ 3 - 4 năm tù. Bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, cựu Phó Trưởng phòng Phòng đầu tư dự án – PVB từ 3-4 năm tù. Bị cáo Khương Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Thương mại - PVB từ 30-36 tháng tù. Bị cáo Lê Thanh Thái, cựu Trưởng phòng Phòng Kinh doanh – PVB từ 30-36 tháng tù. Bị cáo Hoàng Đình Tâm, cựu Kế toán trưởng PVB) từ 30-36 tháng tù.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chung cho cả hai tội danh từ 21-23 năm tù. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt chung cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc bị đề nghị từ 6-7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, bị cáo Đỗ Văn Hồng bị đề nghị từ 19-20 năm tù.
HĐXX sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào khoảng 16h ngày 15/3 tới.