Tp. Cần Thơ: Có hay không những khuất tất tại Dự án đường Nguyễn Văn Cừ?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012

Theo Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg ngày 7-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Tp. Cần Thơ thì lộ giới đường Nguyễn Văn Cừ nối dài là 34m, phù hợp với quy hoạch toàn tuyến của con đường này. Thế nhưng, UBND Tp. Cần Thơ lại ban hành quyết định điều chỉnh một đoạn đường Nguyễn Văn Cừ có lộ giới lên 40m. Chưa kể, trong quá trình giải tỏa đền b�

Một con đường quy hoạch hai lộ giới


Ngày 15-12-2004, ông Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ đã ký Quyết định số 3780/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đường Nguyễn Văn Cừ, có chiều dài 1.296m, với địa điểm thực hiện Dự án (DA) là phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Lộ giới đường Nguyễn Văn Cừ được xác định là 34m. Tổng mức đầu tư của DA hơn 87 tỷ đồng, do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, với thời gian thực hiện từ 2005-2009. Khi phương án này được công bố, nhiều hộ dân sống ven đường Nguyễn Văn Cừ rất vui mừng và cũng sẵn lòng bàn giao một phần nhà đất để làm đường với hy vọng sau khi con đường hoàn thành thì đời sống của người dân sẽ khá hơn.


Từ năm 2005-2009, tổng khối lượng thực hiện của DA chỉ hơn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 26-5-2010, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ ký Quyết định số 1394/QĐ-UBND điều chỉnh lộ giới DA đường Nguyễn Văn Cừ lên 40m. Lúc này tổng mức đầu tư của DA đã tăng lên hơn 262 tỷ đồng (!?).


Bất ngờ với sự thay đổi lộ giới này, nhiều hộ dân đã tìm hiểu và biết rằng, DA đường Nguyễn Văn Cừ có đến 2 lộ giới khác nhau. Cụ thể đoạn từ đường Mậu Thân đến đường Võ Văn Kiệt có lộ giới 34m; đoạn từ đường Cách mạng tháng Tám đến đường Mậu Thân có lộ giới 40m. Nhận thấy điều bất hợp lý này, nhiều hộ dân đã có đơn kiến nghị.

Đường Nguyễn Văn Cừ, Tp. Cần Thơ


Ngày 15-8-2011, UBND Tp. Cần Thơ ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND quy định về cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn Tp. Cần Thơ, trong đó xác định lộ giới đường Nguyễn Văn Cừ toàn tuyến là 34m. Người dân vui mừng vì những bức xúc lâu nay đã được giải tỏa. Thế nhưng, niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt bằng Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 8-9-2011 do ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ ký điều chỉnh, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng các công trình, đường Nguyễn Văn Cừ được tách thành hai đoạn với hai lộ giới khác nhau: Đoạn đường Mậu Thân đến đường Võ Văn Kiệt có lộ giới 34m; đoạn từ đường Cách mạng tháng Tám đến đường Mậu Thân có lộ giới 40m.

Trong khi đó, Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg ngày 7-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Tp. Cần Thơ đến năm 2025 thì lộ giới đường Nguyễn Văn Cừ nối dài cũng chỉ 34m, phù hợp với quy hoạch toàn tuyến đường Nguyễn Văn Cừ.


Bồi thường hay hỗ trợ?


Theo phản ánh của người dân, việc quy hoạch đoạn đường lộ giới 40m của đường Nguyễn Văn Cừ cũng không bình thường. UBND Tp. Cần Thơ chỉ điều chỉnh tăng thêm lộ giới 6m về bên. Theo đó, hầu như toàn bộ diện tích đất của những nhà ở mặt tiền đường bên bị điều chỉnh thêm sẽ “giải tỏa trắng” vì diện tích đất còn lại không đủ để được cấp phép xây dựng. Theo người dân, một phần đất giải tỏa này sẽ được bán lại cho Công ty Cổ phần dược Hậu Giang.


Trong quá trình giải tỏa đền bù, việc xác định nguồn gốc đất cũng có vấn đề. Bà Nguyễn Thị Mai trú tại số 288 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa bức xúc: Căn nhà của gia đình tôi mua của bà Nguyễn Thị Quýt vào ngày 4-8-1979 có xác nhận của UBND phường An Hòa. Năm 1998, gia đình bà đã đóng tiền đo đạc để cấp chủ quyền theo Thông báo số 18 ngày 7-6-1998 của UBND phường An Hòa. Như vậy, đất ở của gia đình bà đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Thế nhưng, Ban bồi thường quận Ninh Kiều chỉ hỗ trợ 60% giá đất ở của đường Nguyễn Văn Cừ theo bảng giá của Nhà nước đối với phần diện tích 79m2, phần đất còn lại 51,2m2 chỉ hỗ trợ 40.000đồng/m2.


Tương tự, bà Tạ Thị Bùi ngụ tại số 270 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa cho rằng, nhà đất gia đình bà sang nhượng của bà Nguyễn Thị Hồng Châu vào ngày 13-8-1975 được UBND phường An Hòa xác nhận mua bán nhà vào ngày 22-8-1975. Tuy nhiên, khi giải tỏa nhà đất của gia đình bà Bùi, Ban đền bù chỉ giải quyết hỗ trợ 60% giá đất ở cho phần diện tích 40,4m2 phía trước, còn lại 62,1m2 phía sau chỉ hỗ trợ 40.000 đồng/m2.


Còn hộ bà Trần Thị Tố Nga sang nhượng căn nhà 208 đường Nguyễn Văn Cừ của bà Trần Thị Hai vào ngày 10-1-1986, được UBND Tp. Cần Thơ chấp thuận cho chuyển nhượng. Bà Nga đã làm thủ tục sang tên đóng thuế trước bạ và sử dụng ổn định cho đến nay. Khi tiến hành đền bù, Ban đền bù chỉ bồi thường 100% giá đất ở cho phần diện tích 16m2 trước đây đã nộp thuế trước bạ. Phần diện tích còn lại thì hỗ trợ 60% giá trị bồi thường đất ở với 40.000 đồng/m2.


Qua tìm hiểu, hầu hết nhà đất của những hộ dân đã ở ổn định trước ngày 15-10-1993, có hợp đồng chuyển nhượng xác nhận của chính quyền và không tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào nhưng vẫn bị đền bù như trên. Theo UBND quận Ninh Kiều, việc áp giá đền bù này là dựa vào Công văn 3897 ngày 23-8-2010 của UBND Tp. Cần Thơ.


Rõ ràng, các hộ trên đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thu tiền sử dụng đất. Theo quy định pháp luật về đất đai, khi bị giải tỏa, họ được đền bù 100% giá trị bồi thường đất ở. Thế nhưng ở đây, phần lớn diện tích đất bị giải tỏa, Ban giải phóng mặt bằng quận Ninh Kiều chỉ hỗ trợ 40.000 đồng/m2 đến 60% giá trị bồi thường đất ở. Việc “nhập nhèm” về quy hoạch lộ giới cũng như chính sách đền bù của dự án đường Nguyễn Văn Cừ phải chăng có gì khuất tất? Câu trả lời xin nhường lại cho cơ quan có thẩm quyền Tp. Cần Thơ.


Văn Vũ

congly.com.vn