Dự án khu đô thị mới Phú Lộc IV-Lạng Sơn: Vì sao dân bức xúc?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Nút giao thông số 7A (giai đoạn 2) Khu đô thị Phú Lộc IV thuộc địa bàn phường Vĩnh Trại, Tp. Lạng Sơn đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện, nhưng đến nay những vướng mắc trong khâu thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư vẫn chưa được các ngành chức năng của Lạng Sơn giải quyết thỏa đáng, gây bức xúc kéo dài trong dư luận.

Theo quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn, những hộ gia đình bị thu hồi từ 500m2 đất nông nghiệp trở lên được đền bù theo giá Nhà nước và hỗ trợ 1 suất đất tái định cư. Nhưng theo phản ánh của nhiều hộ dân có đất nằm trong khu vực Dự án khu đô thị Phú Lộc IV, khi Nhà nước tiến hành thu hồi để làm đường thì họ bỗng chốc “trắng tay” bởi việc xác minh nguồn gốc đất không đúng và chưa đầy đủ của chính quyền địa phương.


Điển hình là trường hợp của các hộ gia đình bà Hoàng Thị Thiết, Hoàng Thị Sa, Hoàng Thị Liên, ông Hoàng Văn Đức và ông Hoàng Văn Long, ở khối 5 phường Vĩnh Trại. Mỗi gia đình đều có diện tích đất thu hồi trên 700m2, trong tổng diện tích 1,3 mẫu đất ao do cha mẹ để lại thuộc thửa số 66, tờ bản đồ số 23 phường Vĩnh Trại. Các hộ gia đình đều nuôi trồng thủy sản và ủy quyền cho anh Nguyễn Anh Quân- con trai bà Thiết đứng tên kê khai trong hồ sơ địa chính và nộp thuế đất từ năm 1997. Diện tích đất ao trên vẫn sử dụng để thả cá cho đến khi dự án triển khai, không có tranh chấp.

Khu đất ao nay đã được san lấp


Ngày 23-5-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB hạng mục Nút giao thông 7A. Theo đó, những hộ gia đình trên chỉ được nhận tiền hỗ trợ thu hồi đất (bằng 70% giá đất nông nghiệp hiện hành) mà không được bố trí tái định cư.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng những hộ trên không có giấy tờ chứng minh là người sử dụng đất hợp pháp nên không đủ điều kiện để cấp đất tái định cư theo tiêu chuẩn thu hồi đất nông nghiệp như quy định hiện hành.


Tuy nhiên, tại nhiều tài liệu văn bản do Tp. Lạng Sơn ban hành và hồ sơ địa chính liên quan đến thửa đất tại phường Vĩnh Trại đều thể hiện, “nguồn gốc đất ao trên là do cha ông của ông Quân góp vào hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi để làm ăn tập thể, đến năm 1986, HTX giải thể thì gia đình lấy về sử dụng”. Trên sổ mục kê Bản đồ địa chính phường Vĩnh Trại lập năm 1997 mang tên Nguyễn Anh Quân đứng tên kê khai; Hồ sơ kỹ thuật thửa đất lập năm 1997 và Biên bản xác định mốc giới thửa đất số 66, tờ số 2 Bản đồ địa chính phường Vĩnh Trại đều đứng tên Nguyễn Anh Quân.


Ông Nguyễn Hồng Thư, nguyên Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi khẳng định, nguồn gốc đất ao trên thuộc quyền sở hữu của ông bà ngoại ông Quân là ông Hoàng Kim Đình và bà Chu Thị Ân, sau đó có đưa vào HTX Thắng Lợi để sản xuất từ những năm 1960. Đến năm 1986, HTX giải thể thì ai có đất đều tự lấy về sử dụng ( kể cả Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn thời bấy giờ cũng ở trong tình trạng tương tự). Sau đó nhiều gia đình đã chuyển đổi mục đích sử dụng và được cấp “sổ đỏ”, còn gia đình ông Quân vẫn sử dụng để nuôi cá cho đến khi bị thu hồi đất. (Xin nói thêm, năm 2007, khi có nhu cầu xây dựng nhà văn hóa khối 6, UBND Vĩnh Trại cũng đã có văn bản đề nghị gia đình ông Quân hiến 300m2 trong khối đất ao trên đất để xây dựng và được chấp thuận. Nhà văn hóa đã được xây dựng khang trang).


Điều khó hiểu là các hộ gia đình này vẫn sử dụng đất không có tranh chấp cho đến năm 2007, khi có quyết định thu hồi thì mới tá hỏa khi biết diện tích đất trên bỗng dưng đứng tên UBND phường trong sổ địa chính năm 1999. Trong khi thời điểm đó không có kế hoạch đo vẽ bản đồ hay có bất cứ quyết định thu hồi đất hay giao đất nào của cơ quan có thẩm quyền. Trong sổ địa chính chỉ có duy nhất một dòng chữ màu đỏ ghi, “đất do UBND phường quản lý”, không ghi ngày tháng, hay con dấu và người ký xác nhận.


Ông Đinh Bằng Sơn, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trại cũng thừa nhận, “không biết vì sao UBND phường lại có tên trong sổ địa chính”, và trước đó UBND phường cũng không được cơ quan nào có quyết định cấp mảnh đất nói trên.


Việc “bỗng dưng” UBND phường đứng tên quản lý mảnh đất đang có chủ là điều hết sức vô lý chưa được người có trách nhiệm làm rõ, thì chính quyền sở tại lại lấy đó làm một trong những căn cứ chính để không chi trả bồi thường theo quy định, khiến tình hình trở nên phức tạp đẩy người dân đến bước đường cùng phải đưa vụ việc ra Tòa hành chính khởi kiện.


Không dừng lại ở đó, Dự án khu đô thị Phú Lộc IV còn có rất nhiều điều khó hiểu khác khiến dư luận bức xúc là trong khi nhiều người dân bị “tước” quyền lợi hợp pháp của mình, thì doanh nghiệp lại được “ưu ái”cấp bù nhiều lô đất khác khi thu hồi cùng loại đất nói trên. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở số báo sau.


Nhóm PVĐT

congly.com.vn