“Đối thoại 2045”: Chính phủ làm việc, cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng

Chính trị - Ngày đăng : 14:43, 06/03/2021

Chiều nay (6/3), tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”. Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh thời gian cuối của nhiệm kỳ Chính phủ, thể hiện tinh thần làm việc , cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
ttdt.jpg
Thủ tướng tại Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất chiều ngày 6/3

“Đối thoại 2045” diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.

Mang lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân và xã hội

Kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, đây là một trong nhiều chương trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, trí thức. Cách đây gần 5 năm, ngày 29/4/2016, chỉ sau ít ngày nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, cũng tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp khắp cả nước qua các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Đây được coi là “hội nghị Diên Hồng” đối với doanh nghiệp để người đứng đầu Chính phủ truyền đi thông điệp “Chính phủ mở đường cho đoàn quân tiên phong về kinh tế”. Chỉ sau đó ít ngày, Chính phủ lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp - Nghị quyết 35.

Xử lý một việc cá biệt để tạo sự lan tỏa lớn, trước hội nghị đối thoại lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý vụ việc ở quán cà phê "Xin chào" với thông điệp là các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm đến những việc sát sườn nhất với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp chứ không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó đã nhận được hiệu ứng tích cực đầu tiên trong cộng đồng doanh nghiệp.

Lo bất cứ lúc nào chuyện nhỏ "như cái móng tay" tương tự vậy có thể xảy ra, năm nào, Thủ tướng cũng đối thoại cùng doanh nghiệp để “chúng ta phải bảo đảm rằng, tất cả ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp đều phải được lắng nghe và giải quyết thấu đáo”.

Và cuộc đối thoại nào cũng có dấu ấn đặc biệt, quy mô năm sau lớn hơn năm trước. Gần đây nhất, năm 2020, năm được đánh giá là thành công nhất trong 5 năm qua, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” được tổ chức theo cả 2 hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, hội nghị này có quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành, cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi. Tại đó, Thủ tướng nhất mạnh quan điểm: Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và yêu cầu các cấp chính quyền tháo gỡ nhanh nhất các kiến nghị, khó khăn để không làm lỡ thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể. “Một là không trông chờ, ỷ lại. Hai là cần tái cơ cấu mạnh mẽ, nâng cao quản trị để phát triển bền vững. Ba là áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nâng cao sản xuất, cạnh tranh”, Thủ tướng gửi gắm, đồng thời nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần phải có ‘3 giữ’ là giữ lao động, giữ vững và phát triển thị trường và nhất là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam”.

Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp năm 2019 lại diễn ra vào thời điểm cuối năm với sự tham dự của khoảng 3.000 người, kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và kết thúc vào 13h. Một sự đồng thuận khá rõ từ hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Đó là không được đẩy cái khó cho doanh nghiệp, phải chấm dứt ngay tình trạng dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp. Tất cả là để có một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, làm nền tảng cho một nền kinh tế hùng cường.

ttg-doi-thoai-dn.jpg
Thủ tướng tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp năm 2017

Cuộc đối thoại năm 2017 cũng kéo dài đến 13h19, để lại nhiều ấn tượng đối với doanh nghiệp khi ngay tại hội trường Thủ tướng chia sẻ thông tin và nhận được tràng pháo tay dài: “Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay 1 chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”. Hành động thiết thực này đã gỡ cho doanh nghiệp “gánh nặng” tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, nhờ đó, giúp doanh nghiệp tiết giảm nhiều thời gian, chi phí, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.

Tại đây, một lần nữa, Thủ tướng bày tỏ, “bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”.

Đi từ việc vi mô đến vĩ mô, từ ban hành chính sách đến kiểm tra việc thực thi chính sách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực sự mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp niềm tin mới vào một thời kỳ phát triển mới.

Như cam kết của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ về việc chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, đã có 3.893 trong tổng số 6.191, tức hơn 63% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Tương tự, 6.776/9.926, tương đương 68% dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.500 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Các việc cắt giảm đó đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng. Và quan trọng hơn cả, điều đó mang lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân và xã hội với Chính phủ, với Đảng, Nhà nước ta.

Chính phủ làm việc, cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng

Hiện tại, đội ngũ doanh nhân ngày càng có vị trí đặc biệt, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Cả nước hiện có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

Cả nước có khoảng 7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều; trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tham dự “Đối thoại 2045” hôm nay có khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045". Đồng thời, lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh COVID-19 hđang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh thời gian cuối của nhiệm kỳ Chính phủ khóa này. Tuy nhiên tinh thần của người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo là các thành viên Chính phủ làm việc, cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng trên cương vị và nhiệm vụ được giao, trách nhiệm trong xử lý những công việc thuộc thẩm để đảm bảo tính liên tục trong phục vụ doanh nghiệp, người dân và đất nước. Điều đó tiếp tục khẳng định chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ. Chỉ có tính liên tục mới đảm bảo đi đến thành công trong thực hiện các mục tiêu lớn lao 2045 của đất nước.

Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta có khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".

Trong chặng đường đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đối thoại, lắng nghe những ý kiến của các doanh nhân, trí thức; đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc đối để đội ngũ doanh nhân, trí thức làm tốt sứ mệnh của mình.

Xuân Lan