Mẹ chồng kéo con dâu vào vòng lao lý vì... chữ viết xấu

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 08:19, 05/03/2021

Khi chồng gọi điện về chỉ đạo việc nhận tiền, hồ sơ, in thư mời để đưa lao động đi nước ngoài, nhưng do mắt mờ, chữ xấu nên Liệu đã nhờ con dâu xử lý. Kết cục, không những Liệu mà chính con dâu cũng vướng lao lý vì dính vào đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài do chồng Liệu cầm đầu.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử hai bị cáo Đoàn Thị Liệu (SN 1973) và Ngô Thị Hồng Hạnh (SN 1995), cùng trú xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hai bị cáo là mắt xích trong đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép do Nguyễn Văn Tuấn (SN 1972) – chồng của Liệu cầm đầu, hiện đang ở nước Samoa. 

bicao.jpg
Hai bị cáo Đoàn Thị Liệu và Ngô Thị Hồng Hạnh tại phiên tòa

Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 10/2019, Tuấn được một số người liên hệ, nhờ đưa ra nước ngoài làm việc, kiếm tiền. Tuấn nói với các lao động đến nhà mình, gặp vợ để bàn bạc cụ thể. Tại nhà Liệu, người phụ nữ này đã gọi điện để các lao động nói chuyện trực tiếp với Tuấn. 

Qua điện thoại, Tuấn hứa hẹn đưa các lao động sang New Zealand với chi phí 8.500 USD, đi theo diện thư mời, sang làm nghề xây dựng, thủ tục chỉ cần hộ chiếu, giấy xác nhận tư pháp, chụp ảnh gửi qua facebook cho Tuấn. Khi lao động sang đến nơi sẽ được Tuấn đón, bố trí nơi ăn chỗ ở, mức lương mỗi tháng từ 20 đến 40 triệu đồng, thời hạn 2 năm. Tuấn hứa hẹn sau đó sẽ lo giấy tờ để các lao động được ở lại lâu hơn.

Trước lời tư vấn của Tuấn, các lao động đã đồng ý đi New Zealand. Theo hướng dẫn của Tuấn, 6 lao động đã nộp hơn 930 triệu đồng và hồ sơ cho Đoàn Thị Liệu. Số tiền trên Liệu đã chuyển ra nước ngoài cho chồng. Quá trình nhận tiền của các lao động, do mắt mờ, chữ xấu nên Liệu đã nhờ con dâu là Ngô Thị Hồng Hạnh viết biên nhận và ký xác nhận.

Sau thời gian chờ đợi, Tuấn thông báo đã có lịch bay, đồng thời đặt vé máy bay cho các lao động sang Samoa (chứ không phải New Zealand như cam kết). Tuấn liên lạc với vợ thanh toán tiền vé máy bay, tiếp nhận thư mời làm việc thông qua ứng dụng Messenger in ra cho các lao động. Do Liệu không thông thạo việc sử dụng Internet nên tiếp tục nhờ con dâu xử lý. 

Một ngày cuối tháng 11/2019, Liệu thuê xe ô tô chở 6 lao động ra sân bay để sang Samoa. Tại đất nước xa xôi, do Tuấn không bố trí được công việc nên 2 lao động đã yêu cầu được về nước. 4 lao động còn lại hiện vẫn tiếp tục ở Samoa để tìm kiếm việc làm.

Cơ quan điều tra xác định, Đoàn Thị Liệu biết Tuấn không có chức năng đưa người đi lao động nhưng đã giúp sức cho chồng nhận tiền, hồ sơ, in thư mời cho 6 lao động…. Ngô Thị Hồng Hạnh là người đã giúp sức cho Tuấn và Liệu thực hiện việc kiểm đếm tiền, viết giấy cam kết….Riêng đối với Nguyễn Văn Tuấn, cơ quan điều tra công an Nghệ An đã truy tố bị cáo và phát lệnh truy nã. 

Tại phiên tòa, bị cáo Liệu khai làm theo hướng dẫn của Tuấn. Do mắt mờ, chữ xấu nên đã nhờ con dâu viết hộ. Bị cáo Hạnh khai chỉ giúp mẹ kiểm đếm tiền, viết giấy xác nhận chứ không biết việc đưa lao động đi nước ngoài. 

Trước sự có mặt của người dân, HĐXX phân tích, hành vi của các bị cáo rõ ràng là sai trái, nhưng việc các lao động ngay từ đầu chấp nhận đi “chui” là điều lên án. Các lao động biết rõ muốn sang nước ngoài lao động phải qua công ty được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động tư vấn, môi giới, tuyển dụng, đưa người Việt Nam sang nước ngoài lao động. Nhưng vì tâm lý ngại học tiếng, ngại chờ đợi….các lao động đã chấp nhận đi theo diện du lịch. Do đó, trong vụ việc này các lao động cũng có một phần lỗi. 

Xét thấy hành vi của hai bị cáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và uy tín của đất nước nên cần xử lý nghiêm, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Đoàn Thị Liệu 42 tháng tù giam, bị cáo Ngô Thị Hồng Hạnh 24 tháng tù, cho hưởng án treo.


Anh Thư